Căng thẳng ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau vụ ẩu đả tại khu vực biên giới tranh chấp giữa hai quốc gia này không những không có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác.
Theo báo cáo mới nhất từ tờ Hindustan Times, Chính phủ Ấn Độ vừa ban hành lệnh cấm hàng loạt ứng dụng di động có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong số này bao gồm cả các ứng dụng phổ biến như TikTok, WeChat, UC Browser... Bắt đầu từ ngày 1/7, bất cứ cá nhân, tổ chức nào không tuân thủ đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Nhà chức trách Ấn Độ đã viện dẫn quy định theo mục 69A của Đạo luật Công nghệ Thông tin đối với các ứng dụng được cho là gây phương hại đến quyền chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, cũng như tác động xấu đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng.
"Bộ Công nghệ Thông tin đã nhận được nhiều khiếu nại từ các nguồn khác nhau về việc một số ứng dụng trên nền tảng Android và iOS đã đánh cắp dữ liệu của người dùng. Sau đó, số dữ liệu này được chuyển đến các máy chủ bên ngoài Ấn Độ một cách lén lút", cơ quan chức năng Ấn Độ tuyên bố.
"Các dữ liệu này khi được tập hợp, khai thác bởi các thế lực thù địch, đối nghịch với an ninh quốc phòng Ấn Độ sẽ gây ảnh hưởng tới sự toàn vẹn của Ấn Độ. Chính vì thế, đây là một vấn đề mà Ấn Độ quan ngại sâu sắc, cần phải có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn".
Danh sách 59 ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc bị cấm tại Ấn Độ:
Trong số 59 ứng dụng bị liệt kê trong danh sách, có nhiều cái tên cực kỳ phổ biến như TikTok - một trong những ứng dụng di động phổ biến nhất ở Ấn Độ, các ứng dụng của Alibaba, WeChat, UC Browser, ShareIT, cùng với nhiều tựa game mobile đình đám khác. Đặc biệt phải kể tới Mi Community và Mi Video Call của Xiaomi với lượng người dùng cực kỳ đông đảo. Được biết, Xiaomi là thương hiệu điện thoại thông minh số một tại quốc gia này.
Nói một cách ngắn gọn, các ứng dụng này bị cáo buộc thu thập dữ liệu và lưu trữ ở những vị trí không an toàn với người dùng Ấn Độ. Theo Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ, họ đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về các ứng dụng trên. Ấn Độ hy vọng rằng động thái mạnh mẽ lần này sẽ cảnh tỉnh các quốc gia khác để họ đưa ra những biện pháp tương tự.
Hiện chưa rõ cơ quan chức năng Ấn Độ sẽ triển khai lệnh cấm này như thế nào. Nhiều khả năng App Store của Apple và Play Store của Google sẽ được yêu cầu không cung cấp các ứng dụng bị cấm tại Ấn Độ.
Theo đánh giá từ giới quan sát, quyết định này từ chính phủ Ấn Độ có thể là hệ quả từ chuỗi căng thẳng leo thang sau vụ đụng độ giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở phía đông vùng Ladakh, gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) hôm 15/6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đây là cuộc đụng độ biên giới gây hậu quả nghiêm trong nhất giữa hai nước trong hơn 50 năm qua.
Trong một tin tức liên quan, chỉ trong khoảng thời gian 3 ngày, từ 16-19/6, cảnh sát mạng Ấn Độ cho biết đã có tới 40.300 vụ hack từ Trung Quốc được ghi nhận, với hình thức chủ yếu là DDoS, nhắm mục tiêu “đánh sập” hệ thống mạng của các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu ở New Delhi và Mumbai và một số thành phố lớn khác trên khắp lãnh thổ Ấn Độ.