Theo quy định mới của Trung Quốc, bài đăng và bình luận của người dùng các mạng xã hội như Weibo, WeChat, Douyin... đều phải hiện thông tin vị trí và không thể tắt được. Quy định này đã được thử nghiệm trên hầu hết các mạng xã hội lớn của nước này từ giữa tháng 4 và đến nay.
Ví dụ, người dùng WeChat khi đăng bài và bình luận thì thông tin về tỉnh hoặc thành phố của người dùng trong nước hoặc tên quốc gia đối với người dùng nước ngoài được lấy từ địa chỉ IP của thiết bị sẽ hiển thị kèm theo. Và người dùng không thể tắt tính năng này ngay cả khi tắt GPS.
Giải pháp đánh lừa duy nhất để không bị lộ vị trí là dùng mạng riêng ảo VPN, tuy nhiên các dịch vụ VPN bị cấm tại Trung Quốc.
Theo giải thích của các nền tảng thì việc hiển thị vị trí nhằm ngăn chặn những người giả danh là dân địa phương để bịa đặt và phát tán thông tin sai lệch, gây tác hại trên không gian mạng.
Đại diện WeChat nói và cho biết chính sách mới giúp "duy trì trật tự Internet và dẹp bỏ tin đồn".
Địa chỉ IP có thể tiết lộ vị trí chính xác nên đây có thể coi là dữ liệu cá nhân. Việc bắt buộc hiển thị thông tin này có thể khiến quyền riêng tư của người dùng bị xâm phạm, ảnh hưởng đến nhiều hành vi của người dùng.
Việc hiển thị thông tin vị trí cũng gây ra nhiều tình huống kỳ lạ. Ví dụ một bài đăng của CEO Tim Cook của Apple trên tài khoản Weibo hiển thị vị trí ở Thượng Hải, còn một bài đăng của tỷ phú Bill Gates hiển thị ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Theo các chuyên gia, xuất hiện trường hợp này là do các tài khoản của nhiều cá nhân và công ty nước ngoài tại Trung Quốc chủ yếu được vận hành bởi các các tổ chức trong nước.
Nhiều ý kiến của người dùng đồng tình với việc hiển thị thông tin vị trí khi đăng bài trên mạng xã hội bởi cho rằng điều đó giúp ngăn chặn tình trạng "gián điệp", hoặc giảm sát các cuộc khẩu chiến trên không gian mạng.