Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học California tại Los Angeles (UCLA) và Baylor đã phát triển thành công một phương pháp mô tả biểu tượng - bao gồm chữ viết và hình dạng - trực tiếp trên não bộ của con người bằng cách sử dụng kích thích điện từ. Phương pháp này nếu được triển khai thành công trong thực tiễn có thể là cứu cánh cho những người khiếm thị, giúp họ có thể dễ dàng tưởng tượng cũng như cảm nhận cảnh vật xung quanh, hay đọc chữ viết trên tài liệu thông qua dữ liệu được truyền đến não bộ dưới dạng kích thích điện từ.
Phương pháp này hoàn toàn không tác động đến mắt và dây thần kinh thị giác. Thay vào đó, nó sử dụng xung điện để kích thích các điện cực được cấy ghép ở “visual cortex”, một khu vực nằm phía sau não chịu trách nhiệm phân tích hình ảnh thu được từ bên ngoài. Nó hoạt động thông qua kích thích động (dynamic stimulation), có nghĩa là thay vì gửi kích thích dưới hình dạng của một chữ cái hoàn chỉnh, các nhà nghiên cứu sẽ phác họa chữ cái trực tiếp trên não bộ theo thời gian thực.
Video sau đây cho thấy người tham gia thử nghiệm nhận tín hiệu đầu vào thông qua một thiết bị cấy ghép trên vỏ não, sau đó diễn giải chính xác những gì nhận được bằng cách vẽ nó trên màn hình trước mặt.
Về cơ bản, cách làm này cũng giống như chơi trò viết chữ (hoặc vẽ hình) lên lưng của người phía trước, sau đó yêu cầu người này diễn tả lại chính xác thông tin mà anh ta cảm nhận được từ lưng, tuy nhiên độ chính xác đương nhiên sẽ lớn hơn rất nhiều. Thay vì buộc tất cả các điện cực gửi thông tin theo hình dạng, ví dụ, 1 chữ U hoàn chỉnh, hệ thống sẽ kích hoạt các điện cực một cách tuần tự để người nhận có thể dễ dàng xác định thông tin được truyền tải.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm hệ thống này trên trên 2 người khiếm thị và 4 người bình thường. Kết quả cho thấy những người tham gia thử nghiệm thường cảm nhận được thông tin truyền tải trong tâm trí của họ với độ chính xác từ 80 đến 93%. Tuyệt vời hơn, những người này đã trả lời chính xác tới 86 câu hỏi mỗi phút. Mức độ cung cấp thông tin nhanh chóng và đáng tin cây này có thể mang đến một cuộc cách mạng về khả năng truyền tải thông tin cho người khiếm thị.
Hãy tưởng tượng các cảm biến được kết nối trong không gian công cộng có thể đưa ra cảnh báo cho người khiếm thị về hướng đi, hay chướng ngại vật nguy hiểm. Hiện tại, công nghệ này đang “mắc kẹt” trong giai đoạn thử nghiệm do yêu cầu cấy ghép thiết bị nhận tín hiệu siêu nhỏ ở vỏ não. Để được áp dụng thực tiễn, nó sẽ phải vượt qua các kiểm nghiệm vô cùng nghiêm ngặt. Tuy nhiên triển vọng vẫn là rất lớn!