Một nghiên cứu mới được thực hiện với sự giúp sức của trí tuệ nhân tạo (AI) đã chỉ ra rằng loài chuột cũng sở hữu một loạt các biểu cảm khuôn mặt khác nhau cho thấy cảm xúc thực sự của chúng - đưa ra manh mối mới về cách phản ứng cảm xúc nảy sinh trong não người.
Các nhà khoa học tại Viện Thần kinh học Max Planck ở Đức đã khám phá ra sự thực thú vị trên bằng cách ghi lại những đoạn video về khuôn mặt của chuột trong phòng thí nghiệm khi chúng trải qua các kích thích khác nhau, từ hương vị ngọt ngào của đồ ăn đến những cú sốc điện nhẹ. Số video này sau đó được phân tích bởi một thuật toán học máy (machine learning) đã được đào tạo kỹ lưỡng về cấu trúc khuôn mặt của loài gặm nhấm cũng như các khái niệm về cảm xúc khác nhau.
Kết luận từ AI cho biết cơ mặt của chuột sẽ có những thay đổi vô cùng tinh tế mà chúng ta khó có thể nhận ra dễ dàng khi quan sát bằng mắt thường - tương ứng với cảm xúc mà chúng gặp phải trong thời gian thực. Chẳng hạn, khi chuột cảm thấy đau, chúng sẽ hơi phồng má, đồng thời tai cụp lại và hất về sau. Khi cảm thấy thoải mái, chúng sẽ hơi đẩy hàm và tai về phía trước, hơi kéo mũi về phía miệng.
Ngoài ra, thuật toán AI cũng tiết lộ rằng biểu cảm của chuột sẽ thay đổi tùy thuộc vào cảm giác của chúng trước khi nhận được các kích thích. Ví dụ, khi một con chuột đang khát được cho uống nước có đường, khuôn mặt của nó biểu thị nhiều niềm vui hơn so với bình thường.
Từ những kết luật trên, các nhà nghiên cứu sau đó đã tiến hành điều tra xem những tế bào não nào chịu trách nhiệm kích hoạt mỗi phản ứng cụ thể thông qua một kỹ thuật gọi là optogenetic, sử dụng ánh sáng để kích thích các tế bào thần kinh. Họ phát hiện ra rằng khi nhắm vào những tế bào thần kinh chịu trách nhiệm cho các cảm xúc khác nhau, biểu cảm trên khuôn mặt của con vật cũng sẽ thay đổi tương ứng.
Quan điểm cho rằng biểu cảm khuôn mặt tiết lộ cách bộ não xử lý cảm xúc không phải là chủ đề mới. Năm 1872, nhà tự nhiên học nổi tiếng Charles Darwin đã đưa ra luận điểm cho rằng con người và động vật truyền đạt cảm xúc của mình thông qua những biểu hiện tương tự nhau. Sự xuất hiện của AI sẽ giúp từng bước làm rõ quan điểm này bằng cách đưa lý thuyết vào thử nghiệm thực tế.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những hiểu biết của họ về cách thức các nơ-ron kích hoạt phản ứng trên khuôn mặt ở chuột cũng sẽ giúp chúng ta khám phá cách bộ não của con người xử lý những rối loạn lo âu và trầm cảm. Cuối cùng có thể giúp chứng minh liệu quan điểm Darwin có chính xác hay không.