Hành trình lặn lội nửa vòng thế giới tìm lại 200.000 đô-la bitcoin

Đây là câu chuyện về người đàn ông đã khôi phục lại số tiền ảo của mình từ một chiếc laptop đã hỏng. Quả là tiền một khi đã đi khó mà quay lại, dù là kiểu tiền gì.

Năm 2017, bitcoin làm chộn rộn thế giới. Có thể bạn cũng thấy râm ran trong lòng mà không thể không mua ít nhiều bitcoin với hy vọng kiếm chút ít. Nhà báo Zach Hines cũng như bạn cách đây 4 năm. Từ đó tới nay, tốc độ phát triển của tiền ảo đã thay đổi nhiều thứ và câu chuyện về hành trình gian nan “đi tìm bitcoin đã mất” của anh có thể làm như một ví dụ trong trường hợp bạn gặp trục trặc với đồng tiền này.

Đây không phải điều tôi định làm với cả tháng 10 của mình. Nhưng tôi đã làm vậy, bay tới tận Hồng Kông với hy vọng lấy lại 200.000 đô-la bitcoin từ một chiếc laptop đã hỏng.

Xem thêm: Hướng dẫn đào Bitcoin cho người mới bắt đầu

Bốn năm trước, khi sống ở Hồng Kông, tôi và một người bạn Mike cũng là nhà báo quyết định đầu tư vào bitcoin. Tôi mua 4, tức là $2.000 còn Mike mua 40, tương đương $15.000. Vào thời điểm đó, việc này rõ là hên xui, nhưng vài năm sau, bitcoin tăng giá và có vẻ như Mike đã sớm biết trước. Sau đó tôi đã chuyển đến Los Angeles và nhắn tin cho Mike về mức tăng 2.000% trên khoản đầu tư của chúng tôi.

Hồng Kông là nơi mọi thứ bắt đầu
Hồng Kông là nơi mọi thứ bắt đầu

Lạ là tôi không nhận được phản hồi tích cực lắm. Anh ấy đầu tư nhiều hơn tôi 10 lần, lẽ ra phải hứng thú hơn tôi chứ? Cuối cùng khi giá bitcoin đạt $4.000, tôi nhắn cho Mike: “Anh còn giữ số bitcoin đó chứ?”, và anh ấy trả lời: “Có lẽ là không…”

Chuyện là thế này. Năm 2013, Mike rất lo về bảo mật. Ban đầu anh giữ tiền ảo của mình trên sàn giao dịch LocalBitcoins. Đây là nơi giao dịch, mua bán tiền ảo, nhưng bạn không nên để tiền trên đó. Vụ scandal nổi tiếng nhất về bitcoin là về Mt. Gox, sàn giao dịch ở Nhật, đã làm mất 850.000 bitcoin của người dùng.

Sàn có thể đóng cửa bất ngờ, như ở Trung Quốc, khi chính phủ cấm. Bất kì nhà đầu tư tiền ảo thực sự nào cũng sẽ khuyên bạn giữ ở “kho lạnh” (một ví điện tử hardware, offline). Tôi đã làm thế nhưng cách đây 3 năm thì Mike không biết. Thay vào đó anh dùng ví phần mềm, dù hay nhưng không dễ dùng lắm. Ngày nay có nhiều lựa chọn nhưng vào năm 2013 thì không. Mike dùng MultiBit, một phần mềm phổ biến vào thời đó nhưng giờ đã ngưng hoạt động vì có nhiều lỗi.

Xem thêm: Ngân hàng nhà nước tuyên bố cấm sử dụng bitcoin tại Việt Nam

Giao diện MultiBit có một nút để tạo ví mới bên trong phần mềm. Hầu hết người dùng chỉ cần 1 ví nhưng MultiBit lại yêu cầu thiết lập nhiều lần. Ngoài ra, bạn cũng phải dùng nhiều mật khẩu cho từng ví, ngay cả khi không cần thiết. Trong vài phút đã có thể tạo rất nhiều ví, mỗi ví có rất nhiều mật khẩu. Nói ngắn gọn, ẩn chứa đầy lỗi.

Vào một đêm nóng nực tháng 3/2014, Mike tạo một ví điện tử trên MultiBit, chuyển 40 bitcoin vào đó, điền mật khẩu mà cũng không có xác nhận lần hai! Bạn phải chắc chắn mình gõ đúng, nhưng tiếc là Mike thì không. Mike gõ đi gõ lại mật khẩu mà anh cho là đúng nhưng vẫn không được.

Mật khẩu là cả một câu chuyện dài
Mật khẩu là cả một câu chuyện dài

Mike còn định chơi bitcoin lâu nên anh tạm thời bỏ qua và tuần sau lại thử lại. Năm tháng trôi qua, giá bitcoin đã lên tới đâu đó giữa $200 và $400. Mike nghĩ ra cách là để chiếc MacBook 2007 cùng với ví MultiBit im lìm trong góc văn phòng, nơi nó chết dần do lỗi bo mạch.

Đầu năm nay, Mike gọi tôi và nói: “Tôi phải kể cho anh sự thật. Thật dại dột quá nhưng tôi chắc mất hết bitcoin rồi”. Anh nói laptop đã chết còn MultiBit cũng tiêu, như đang thú tội với đầy vẻ tiếc nuối và cầu xin tha thử. Giá bitcoin khi đó khiến Mike mất $180.000, và vẫn còn đang tăng. Mike nói anh định sẽ bay tới văn phòng của KeepKey, chủ của MultiBit và… có lẽ là cầu nguyện. Tôi nói anh đợi đã.

Nghe chuyện, tôi nghĩ mình có thể giúp được, dù không chắc là bằng cách nào. Tôi biết ít nhiều về cách hoạt động của ví bitcoin nhưng chắc chắn không phải chuyên gia. Có lẽ tôi chỉ muốn thử thách. Sau cùng giá bitcoin tăng mạnh và chúng tôi có trong tay $200.000 ở đây. Nói thực là, đáng lắm!

Xem thêm: Bitcoin lại tăng mạnh, vượt mốc 7.000 đô

Lấy ổ cứng từ MacBook không khó, chỉ việc cắm vào máy mới. Nhưng việc liên quan tới MultiBit mới là vấn đề. Tôi tìm ra bản cũ của phần mềm này và phát hiện có nhiều cách để khôi phục ví bằng MultiBit. Phần mềm tạo sao lưu được mã hóa cho từng ví và mã hóa từng bản sao lưu riêng biệt của mật khẩu. Tất cả ví có thể lấy lại bằng mật khẩu, nhưng tất nhiên, Mike đâu có biết.

Rõ là giỏi nhất chúng tôi chỉ có 50% thành công: giải mã được bản sao lưu ví hoặc bản sao lưu mật khẩu. Dù theo cách nào cũng cần có mật khẩu, mà đáng ra Mike phải nhớ. Tôi nói tin này cho Mike, anh bảo sẽ chia cho tôi phần trăm nếu khôi phục được. Dù tôi có thể khôi phục từ xa nhưng anh muốn tôi đến. Việc này vừa là lỗi do người, vừa là lỗi IT và anh cần có người chia sẻ.

Tôi đến Hồng Kông vào đầu đợt Trung thu, nghĩa là những ngày nghỉ lễ ở đây.

Hồng Kông lên đèn khi Trung thu tới
Hồng Kông lên đèn khi Trung thu tới

Đầu tiên, chúng tôi lấy được dữ liệu trong ổ cứng đã chết từ một anh kỹ thuật trong cửa hàng máy tính ở Hồng Kông, ngay trước khi anh ta nghỉ lễ. Lấy lại dữ liệu không khó. Sau đó chúng tôi cùng xem các tập tin được sao lưu trên máy. Tới giờ mọi thứ vẫn ổn.

Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng File History để sao lưu, khôi phục dữ liệu

Cũng cần hiểu bitcoin thực sự là gì nên tôi sẽ giải thích bằng một ẩn dụ thú vị đã nghe trước đây: Tiền bắt đầu là một vật thể vật lý rồi biến thành danh tính của bạn (ví dụ như tên trong tài khoản ngân hàng) còn tiền ảo như bitcoin thì là một vật thể ảo, chỉ tồn tại trong không gian kỹ thuật số, không gắn liền với ai.

Giống như hóa đơn kỹ thuật số, có thể giao dịch, ăn cắp hoặc đánh mất bitcoin. Nhưng đây chỉ là mang tính biểu tượng: bitcoin thực ra là một địa chỉ bị khóa bằng cách mã hóa trên blockchain. Vậy nên thay vì có bitcoin trên máy tính của mình, bạn chỉ có mật khẩu (key) để mở khóa địa chỉ của bitcoin trên blockchain. Đó chính là mật khẩu mà chúng tôi đang tìm trong thư mục MultiBit lộn xộn của Mike.

Giờ đã có các file backup rồi, đến lúc mở khóa. Có vẻ Mike đã tạo cả tá ví điện tử để bảo đảm an toàn cho bitcoin của mình, rõ là tại giao diện không thể hiểu nổi của MultiBit. Loại bỏ giúp giới hạn tới ví nào là điểm đến cuối cùng của bitcoin.

Xem thêm: 7 biện pháp tăng cường bảo mật cho ví điện tử bạn không nên bỏ qua

Chúng tôi chọn một ví và nhập mật khẩu mà Mike định gõ vài năm trước, và nó mở được. Đây là dấu hiệu tốt: nghĩa là ít nhất, mật khẩu này cũng dùng được cho vài ví, dù có thể không phải cái ví quan trọng mà chúng tôi tìm. Ví bắt đầu đồng bộ sang blockchain.

Chờ blockchain cho từng ví điện tử
Chờ blockchain đồng bộ cho từng ví điện tử

Blockchain được mô tả là một sổ cái chung phi tập trung, nghĩa là mọi giao dịch đều được ghi lại. Nó “phi tập trung” vì mỗi giao dịch được xác nhận qua một phép tính toán do máy tính (gọi là máy đào “miner”) thực hiện. Việc cập nhật chuỗi này từ vài năm trước sẽ mất thời gian, trong trường hợp của chúng tôi là 80 phút. Chúng tôi ăn món Thái, ngắm trăng lên và chờ blockchain đồng bộ.

Xem thêm: Blockchain là gì? Bong bóng hay cuộc cách mạng thực sự sau Internet?

Ví hiển thị có 40 bitcoin đến vào 20/11/2013 và cả giá trị hiện tại là $200.000. Trông có vẻ như thành công rồi nhưng phải nói sự thật là chuỗi này đang ở cách đây 4 năm. Khi đến ngày 20/3/2014, số dư lại về 0, tiền đã được chuyển đi.

Chúng tôi mở được 4, 5 ví, chờ hơn 1 giờ để blockchain đồng bộ từng ví và lần nào cũng thấy giá trị $200.000 đến vào 20/11/2013 và biến mất sạch vào 20/3/2014. Chuyện hết bi, đã bắt đầu chuyển sang hài buồn.

1 giờ sáng, tôi xem một ví khác. Lần này, sau 20/3/2014, tiền vẫn còn. Chúng tôi chờ hơn nửa tiếng nữa để blockchain đồng bộ và số dư vẫn còn đó. Cuối cùng chúng tôi đã tìm ra.

Giờ những gì cần làm là chuyển tiền khỏi mớ hỗn độn này về một ví điện tử hiện đại khác. (chúng tôi quyết định dùng Exodus, đơn giản, dễ dùng và an toàn) Nhưng việc chuyển tiền lại đòi một mật khẩu khác! Bạn còn nhớ không? MultiBit cho nhập thêm mật khẩu bổ sung cho ví. Chính là thứ mà Mike làm vào cái đêm nóng nực năm 2014 ấy. Chúng tôi thử các mật khẩu mình có nhưng đều không được. Thử cách nào cũng vậy, gõ cẩn thận tới mấy cũng vẫn sai. Có vẻ chúng tôi đang trượt sang phía bên kia của 50% cơ hội.

Tại sao MultiBit lại cần nhập nhiều mật khẩu? Tại sao nó không hỏi bạn xác nhận mật khẩu trước khi lưu? Nhiều câu hỏi đặt ra nhưng chẳng ai trả lời được.

MultiBit còn nhiều câu hỏi không ai trả lời được
MultiBit còn nhiều câu hỏi không ai trả lời được

Mike thất vọng và muốn từ bỏ nhưng tôi không định đi cả nửa trái đất để không đạt được gì. Chúng tôi mở bảng tính và thử các cách kết hợp khác cho mật khẩu, thử-sai xem có vượt qua được lỗi sai khi gõ của Mike không. Sau 50 lần cố gắng, đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi. MultiBit chấp nhận tất cả các kí tự, viết hoa - viết thường, biểu tượng, dấu cách, các khả năng là rất nhiều. Chúng tôi tắt điều hòa trong phòng Mike để gợi ý không khí năm ấy nhưng cũng không ích gì.

Chúng tôi kiểm tra email của Mike từ dạo đó. Hóa ra anh còn tự email cho mình 3 lần sau ngày 20/3 về sự ngu ngốc của MultiBit, nhưng các email đó đều vô dụng, chẳng có gì chúng tôi cần. Mike là nhà báo, có lẽ anh đã viết mật khẩu ra đâu đó? Nhưng ngay khi tôi hỏi câu đó, chúng tôi đọc được đoạn chat trên Google Chat vào năm 2014, 5 ngày sau vụ ra đi của MultiBit, trong đó Mike nói rằng anh thấy bối rối nên đã dọn dẹp và vứt sổ đi rồi.

Toàn là sai lầm!

Rồi chúng tôi nghĩ ra một sở thích mới: thử tất cả các kiểu mật khẩu có thể, miễn là chúng tôi còn sống và nếu giá bitcoin cứ tăng, chúng tôi càng quyết tâm hơn.

Tôi bắt đầu viết phần mềm để thử - sai mật khẩu còn Mike thì như ngồi thiền, ngồi trên sô-pha và gặm nhấm sự mất mát trong lúc tôi thử với các file. Chợt tôi nảy ra ý: mật khẩu thêm vào có thể dùng cho ví nhưng có lẽ không dùng cho file sao lưu.

Tôi tạo ví mới trên MultiBit, tải file key lên và mở nó bằng mật khẩu chúng tôi biết là có hiệu quả trước đó. Trong lúc Mike cứ nói dông dài về tiền, hy vọng, ước mơ… tôi theo dõi blockchain đồng bộ. Đến 20/11/2013, số tiền $200.000 xuất hiện. Và tới 20/3 tiếp theo, tiền vẫn còn đó.

Thú vị là khi tôi mở tab Send - nơi tôi đã mất 5 giờ đồng hồ vật lộn với mật khẩu sai - thì nhận ra nút này đã hoạt động, và chỉ cần một cú click, không cần mật khẩu.

Thế là xong!

Số dư về 0 khi giao dịch bắt đầu thực hiện và tim tôi đập rộn ràng. Nghĩa là ngay khi xác nhận hoàn thành giao dịch, chúng tôi đã có lại chỗ bitcoin này trong một cái ví mới an toàn hơn.

Thường sẽ cần 2 xác nhận trước khi giao dịch dọn sạch tiền khỏi ví điện tử hoặc sàn giao dịch. Nhưng bạn sẽ muốn có 7 xác nhận, vì như vậy là không thể đảo ngược. Sau 15 phút, chúng tôi không thấy xác nhận nào. Một giờ trôi qua. Vẫn là con số 0.

Xếp hàng để chờ được xác nhận giao dịch
Xếp hàng để chờ được xác nhận giao dịch

Chúng tôi lại phát hiện ra 1 lý do nữa khiến MultiBit thành đồ bỏ: Phí giao dịch được hard-code rất nhỏ. Giao dịch trên blockchain được thợ mỏ (miner) xác nhận để đổi lấy khoản chia nhỏ, nhưng trong 3 năm, phí đã leo thang tới mức mà khoản được hard-code vào MultiBit là rất nhỏ. Tức là nó ít tới nỗi sẽ bị chìm trong biển các giao dịch đang xếp hàng (mempool) mãi mãi. Chẳng ai nhìn thấy nó chứ đừng nói là xác nhận.

Hồng Kông về đêm rất đẹp, đặc biệt là vào Trung thu. Mọi người sum họp hoặc đi nghỉ, đường phố vắng vẻ nhưng vẫn không có vẻ nghỉ ngơi, dường như đang nằm chờ một điều gì. Đêm đó, trăng sáng nhất trong năm, và đã có điều chẳng ngờ xảy ra.

Sáng hôm sau, tôi kiểm tra lại và thấy giao dịch đã có 5 xác nhận. Bằng cách nào chứ? Tôi và Mike ra cà phê ngồi chờ 2 xác nhận nữa. Trong lúc đó, tôi Google và phát hiện ra rằng mempool có thể có những lúc rất ít giao dịch, ví dụ như đợt Trung thu ở Trung Quốc, nơi có rất nhiều thợ mỏ.

Cuối cùng, xác nhận cũng đến đủ. Đó là một sáng yên tĩnh trong quán cà phê, nhưng phá vỡ im lặng, hai kẻ ngốc chúng tôi đập tay ăn mừng trước màn hình laptop.

Vào thời khắc đen tối ấy, có vẻ hơi kì quặc khi địa chỉ được mã hóa trên cuốn sổ cái kỹ thuật số kia lại quan trọng như vậy. Nhưng cũng không kì quặc hơn những hóa đơn trong ví hay những con số trong tài khoản ngân hàng của tôi. Nền kinh tế được xây dựng trên niềm tin và hy vọng lẫn nhau như vậy đấy.

Nếu gặp vấn đề với nền kinh tế truyền thống, sẽ có ai đó giúp bạn, đường dây nóng, dịch vụ chăm sóc khách hàng… Nhưng với bitcoin, sẽ không có ai cả. Chúng ta phải tự mình giúp mình thôi.

Xem thêm: Giờ thì đầu tư mạo hiểm cũng nhảy vào blockchain
Người sáng lập Wikipedia đưa kiến thức của cả thế giới lên blockchain

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Thứ Tư, 20/12/2017 10:25
54 👨 2.053
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ