Ngân hàng nhà nước tuyên bố cấm sử dụng bitcoin tại Việt Nam

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở và ở một vài quốc gia trên thế giới, bitcoin được phép lưu hành, sử dụng rộng rãi. Còn riêng đối với Việt Nam thì phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Đây là thông tin đã được công nhận bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Động thái này được xem như một "gáo nước lạnh" dành cho các doanh nghiệp, tổ chức đang có ý định thử nghiệm thanh toán và trả phí bằng đồng tiền ảo này trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong văn bản ngày 28/10 của ngân hàng trình lên chính phủ khẳng định rằng “Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam” nên việc phát hành, cung ứng, sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán là “hành vi bị cấm tại Việt Nam”.

Ngân hàng nhà nước tuyên bố cấm sử dụng bitcoin tại Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán.

Cụ thể, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; đã phối hợp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự.

Tiền ảo bitcoin

Theo đó, Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về phương tiện thanh toán như sau:

“Khoản 6: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN;

Khoản 7: Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này”.

Cùng với đó, Khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về hành vi bị cấm bao gồm: “Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Như vậy, theo các quy định của pháp luật đã dẫn, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán bị cấm tại Việt Nam.

Ngân hàng nhà nước tuyên bố cấm sử dụng bitcoin

Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Thứ Ba, 05/12/2017 10:36
1,820 👨 2.584
0 Bình luận
Sắp xếp theo