Vào tháng 1, chúng tôi đã đưa tin về những mỗi lo ngại ngày càng càng gia tăng của các nhà phát triển web cũng như tiện ích mở rộng trước thông tin về việc Google đang có kế hoạch loại bỏ webRequest API và thay thế nó bằng declarativeNetRequest API mới, kém mạnh mẽ hơn và đồng thời sẽ giới hạn số lượng quy tắc mà các nhà phát triển có thể sử dụng để lọc quảng cáo.
Vào thời điểm đó, nhà phát triển của một trong những ứng dụng adbock tốt nhất, được sử dụng phổ biến nhất là uBlock Origin, đã chỉ trích gay gắt kế hoạch của Google trên bug.chromium.org, trong đó, ông kết luận như sau:
"Nếu việc triển khai declarativeNetRequest AP được đưa vào thực tế thì điều này về cơ bản có nghĩa là hai trình chặn nội dung quảng cáo mà tôi đã duy trì và phát triển trong nhiều năm là uBlock Origin (uBO) và uMatrix sẽ không còn cơ hội tồn tại nữa. Google đang muốn loại bỏ việc chặn quảng cáo và gọi đó là để bảo vệ quyền riêng tư".
Mặc dù các tiện ích mở rộng chặn quảng cáo có thể là cái “gai” trong mắt các công ty bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu từ quảng cáo của họ, nhưng các tiện ích mở rộng này lại mang lại lợi ích cho người dùng và đó mới chính là vấn đề mấu chốt.
Và bây giờ, một kỹ sư cấp cao của Google, chịu trách nhiệm về Chromium đã chính thức lên tiếng trả lời cho các mối quan tâm từ phía cộng đồng, và quan trọng là Google đã đồng ý với một số nhượng bộ, mặc dù vẫn chưa có gì là quá rõ ràng ở thời điểm hiện tại.
Theo đó, Google vẫn quyết tâm loại bỏ webRequest API, nói rằng đây là nguyên nhân phát sinh những sự lạm dụng ngày càng tăng. Tuy nhiên, gã khổng lồ nước Mỹ đã đồng ý cải thiện declarativeNetRequest API theo cách sau:
- Hỗ trợ quy tắc động (Dynamic Rule Support): Điều này sẽ rất có giá trị trong việc tạo ra các tiện ích mở rộng chặn nội dung tinh vi hơn, và sẽ thêm nhiều tính năng hỗ trợ cho các quy tắc khai báo có thể được thêm hoặc xóa khi chạy declarativeNetRequest API.
- Tăng kích thước Ruleset (Increased Ruleset Size): Google sẽ tăng giới hạn quy tắc từ giá trị theo dự thảo là 30K. Tuy nhiên, giới hạn trên vẫn là một yếu tố cần thiết để đảm bảo hiệu suất cho người dùng. Danh sách chặn có xu hướng chỉ tăng thêm chứ không giảm đi, trong đó các quy tắc mới được thêm vào nhưng các quy tắc đã lỗi thời lại hiếm khi bị xóa đi (một nghiên cứu đã chỉ ra rằng 90% quy tắc chặn EasyList không mang lại lợi ích trong các tình huống chặn thông thường). Việc danh sách này tiếp tục mở rộng và phát triển không giới hạn rất có thể sẽ là vấn đề.
- Các hành động và điều kiện bổ sung (Additional Actions and Conditions): Google dự định sẽ thêm các tính năng hỗ trợ ghép nối dựa trên nhiều điều kiện, chẳng hạn như kích thước tài nguyên, và sẽ cung cấp các hành động bổ sung để sửa đổi các phần của yêu cầu thay vì chỉ đơn giản là chặn như trước đây, chẳng hạn như gỡ bỏ cookie. Ngoài ra, một số hành động và điều kiện hữu ích khác cũng có thể được xem xét bổ sung, ví dụ như ghép nối dựa trên tên miền cấp cao nhất. Có một lưu ý bổ sung, đó là: trong khi Google đang cân nhắc việc thêm các tính năng hỗ trợ cho sửa đổi CSP, việc thêm tiêu đề CSP để tắt JavaScript thường được đề cập dưới dạng trường hợp sử dụng (use-case), điều này đã có thể thực hiện được thông qua contentSettings API. Nếu điều như vậy là chưa đủ, người dùng có thể gửi ý kiến cho Google.
Ngoài ra, Google cũng cho biết họ sẽ vẫn tiếp tục làm việc với các nhà phát triển và sẽ không xóa webRequest API trước khi phương án thay thế sễ sẵn sàng và đủ điều kiện để đưa vào sử dụng:
"Một lần nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh vào sự cam kết hỗ trợ các tiện ích mở rộng trong Chrome, và tất nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các nhà phát triển. Google sẽ không ra mắt Manifest V3 cho đến khi nền tảng này thực sự sẵn sàng, và chắc chắn sẽ có một giai đoạn chuyển giao để chúng tôi có thể tiếp tục giải quyết các phản hồi và vấn đề gặp phải từ phía cộng đồng. Google sẽ không xóa hỗ trợ cho Manifest V2 cho đến khi chúng tôi thực sự tự tin vào tính ổn định của nền tảng mới”.
Nhiều người vẫn bày tỏ nghi ngờ về mục đích thực sự của Google về sự thay đổi mà họ cho là để nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn trải nghiệm người dùng, đồng thời cho phép theo dõi và mang đến cho hàng tỷ người dùng những dịch vụ quảng cáo tối ưu hơn.
Tóm lại, cho dù ý định Google là gì, nhiều người vẫn sẽ coi đây chỉ là một nỗ lực khác của Google để bán quảng cáo, vì việc giới hạn các tiện ích chặn quảng cáo dường như chỉ để quảng cáo dễ dàng tiếp cận với người dùng hơn mà thôi.
Vậy bạn nghĩ sao về động thái này của Google? Hãy cho chúng tôi biết ý kiến ở mục bình luận bên dưới nhé!