Theo tiết lộ của Google trong báo cáo đánh giá toàn diện về tình hình của Google Play Store trong năm 2018, công ty đã từ chối thêm rất nhiều ứng dụng Android mới lên nền tảng của mình, rơi vào khoảng hơn 55% so với năm 2017, đồng thời, tỷ lệ ứng dụng bị đình chỉ hoạt động hoặc gỡ bỏ cũng đã tăng lên khoảng 66%.
Ông Andrew Ahn, Giám đốc sản phẩm của Google Play cho biết "Google sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thắt chặt các chính sách quản lý để giảm đến mức tối đa số lượng ứng dụng có hại trên Play Store, cũng như đẩy mạnh các khoản đầu tư của mình vào quy trình bảo vệ tự động, và lúc này, những đánh giá từ phía người dùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định ứng dụng không phù hợp và thực thi các biện pháp cần thiết”.
Ngoài ra, cũng theo vị giám đốc này, Google Play Store hoàn toàn có đủ khả năng thiết lập nên những cơ chế bảo vệ người dùng Android khỏi một loạt các xu hướng lạm dụng mới núp bóng dưới dạng ứng dụng di động. Để làm được như vậy, việc xác định và đưa ra sự trừng phạt thích hợp cho các nhà phát triển ứng dụng độc hại sẽ là yếu tố then chốt. Công đoạn này phải được tiến hành nhanh hơn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc ngăn chặn các ứng dụng độc hại xâm nhập vào thị trường Android từ sớm, trước khi chúng xuất hiện trên Play Store cũng như kịp gây ra bất kỳ thiệt hại đáng tiếc nào là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Các ứng dụng đã qua kiểm duyệt của Play Store có mức độ an toàn hơn tám lần so với các nguồn khác
Mặc dù bài đánh giá tổng quan tình hình năm 2018 của ông Andrew Ahn không cung cấp chính xác số lượng ứng dụng độc hại đã bị xóa khỏi Play Store (hoặc như Google gọi chúng là "ứng dụng xấu - bad apps"), nhưng bài đánh giá của năm 2017 cho biết công ty đã gỡ bỏ hơn 700.000 ứng dụng vi phạm các chính sách chung của Google Play Store, tức là nhiều hơn 70% so với các ứng dụng đã bị gỡ xuống trong năm 2016, và với thực trạng tình hình an ninh mạng cũng như bảo mật thông tin liên tục có những diễn biến phức tạp trong vài năm trở lại đây, việc số lượng ứng dụng độc hại bị xóa khỏi Play Store gia tăng đáng kể qua từng năm cũng là điều dễ hiểu.
Hệ thống Google Play Protect đã bắt đầu đi vào hoạt động trong tháng 7 năm 2017, được phát triển nhằm mục đích kiểm tra và giám sát "hơn 50 tỷ ứng dụng trên thiết bị của người dùng mỗi ngày để đảm bảo các ứng dụng đó không hoạt động theo cách có thể gây hại cho người dùng và hệ thống của họ”.
Thật không may, tại thời điểm lần đầu tiên được triển khai, hệ thống này được thiết kế để phát hiện và chặn các ứng dụng độc hại đã phát hành trên Play Store và chỉ có thể phát hiện được "65,8% mẫu phần mềm độc hại mới và 79,2% phần mềm độc hại một tháng tuổi”.
Tuy nhiên điều quan trọng hơn là theo báo cáo của Andrew Ahn, các ứng dụng được cài đặt từ Google Play Store "có khả năng gây hại cho thiết bị của người dùng ít hơn tám lần" khi so sánh với các ứng dụng thu được từ những nguồn không được kiểm tra.
Báo cáo đánh giá tình hình của Google Play Store trong năm 2018 cũng chỉ ra các lĩnh vực trọng tâm chính của nền tảng này cho năm 2019, bao gồm việc bảo vệ chặt chẽ hơn nữa quyền riêng tư của người dùng, kiểm tra tính toàn vẹn của nhà phát triển và chống lại các ứng dụng cũng như hành vi có hại nằm trong danh sách theo dõi.
Các biện pháp ngăn chặn phần mềm độc hại Android vẫn đang được tiến hành
Về mặt bảo mật người dùng, Google đang có kế hoạch tiếp tục thực thi chính sách mà họ đã đưa ra vào cuối năm 2018 nhằm hạn chế quyền truy cập SMS và Nhật ký cuộc gọi bằng cách xóa các ứng dụng vi phạm khỏi Play Store, cũng như đưa ra "chính sách bổ sung cho quyền của thiết bị và dữ liệu người dùng trong suốt năm 2019".
Nhóm phát triển Google Play Store cũng tuyên bố rằng "công nghệ phân cụm và kết hợp tài khoản" mới được cải tiến của họ sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các quản trị viên trong việc “cấm cửa” những nhà phát triển đã từng vi phạm một cách rất nghiêm trọng các chính sách của Google.
Trong khi kết luận rằng nhóm Google Play Store có thể tìm thấy nhiều ứng dụng độc hại hơn bao giờ hết với sự trợ giúp của các công cụ dựa trên máy học và đánh giá của người dùng, ông Andrew Ahn cũng phải thừa nhận rằng cuộc chiến chống lại các ứng dụng xấu sẽ là một cuộc đấu trường kỳ không có hồi kết, và cố gắng hết sức là điều duy nhất mà ông cũng như đội ngũ của mình phải làm, cụ thể là trong việc là cải thiện cơ chế phát hiện và ngăn chặn từ xa.
Điều này là hoàn toàn đúng khi chúng ta xét đến một thực tế rằng có rất nhiều ứng dụng Android được xuất bản trên Google Play Store đã được phát hiện là nguồn lan truyền mã độc cho những kẻ đánh cắp thông tin và quảng cáo độc hại, gây ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hay thậm chí hàng chục triệu người dùng và thiệt hại lên tới hàng tỷ đô la.