Các thiết bị IoT nói chung cũng như nhà thông minh nói riêng đang ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Những thiết bị tiện ích gia đình có hỗ trợ AI như Amazon Echo hay Google Home đang là một trong những món “đồ chơi công nghệ” được săn đón nhất trong thời gian qua - xu hướng nói lên sự phổ biến ngày càng tăng và sự cần thiết của công nghệ nhà thông minh cho cuộc sống tiện nghi hơn. Thế nhưng liệu có phải các thiết bị nhà thông minh đều chỉ chứa đựng những lợi ích? Chúng có thể gây hại cho cuộc sống của con người hay không? Mọi công nghệ dù là hiện đại nhất đều có thể biến thành con dao 2 lưỡi nếu không được kiểm soát và sử dụng đúng cách. Các thiết bị nhà thông minh cũng không nằm ngoài thực tế đó, chỉ là vấn đề thời gian, trước khi ngôi nhà thông minh của chúng ta trở nên “quá thông minh” đến mức vượt ra ngoài lợi ích cần thiết của chính con người.
Hiểm họa từ thiết bị nhà thông minh
Công nghệ nhà thông minh ngày càng trở nên phổ biến hơn
Theo ước tính của các chuyên gia, thị trường nhà thông minh ở một trong những quốc gia đi tiên phong trong công nghệ này, Hoa Kỳ, đã đạt đến giá trị khoảng 24.1 tỷ đô la trong năm 2016, và được dự đoán sẽ lên tới 53.45 tỷ đô la vào năm 2022 sắp tới. Như vậy, sẽ có đến 7 triệu hộ gia đình (tương đương với khoảng 55% tổng số hộ gia đình) tại Hoa Kỳ sở hữu một hoặc một vài thiết bị nhà thông minh như loa smart home và các sản phẩm tiện ích khác được lắp đặt trong không gian sống của họ vào năm 2022
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu riêng biệt, 54% người tiêu dùng Mỹ cho biết họ có kế hoạch mua một thiết bị nhà thông minh nào đó trong năm tới. Phần lớn những người tiêu dùng được hỏi đều đã sở hữu ít nhất một thiết bị nhà thông minh ở thời điểm hiện tại, và rào cản lớn duy nhất đối với họ chỉ là vấn đề giá cả.
Như vậy kết quả của các cuộc khảo sát là hoàn toàn hợp lý, bởi khi các công ty công nghệ đạt được quy mô kinh tế và có thể đưa ra những chính sách giảm giá bán sản phẩm của mình xuống mức hợp lý hơn, một ngành công nghiệp mới mẻ như nhà thông minh vốn đã sôi động giờ sẽ còn được chứng kiến một làn sóng tiêu thụ mới với quy mô cực lớn. Và một khi phần lớn các hộ gia đình Mỹ, hay nói rộng hơn trên toàn thế giới đều đã sở hữu công nghệ nhà thông minh trong không gian sống của mình, lúc đó sẽ là quá muộn để nhận định cũng như đưa ra những biện pháp nhằm vô hiệu hóa hiểm họa khó lường từ các thiết bị kết nối hiện đại này. Vậy thì nhân loại có thể phải đối mặt với những mối nguy hại nào khi các thiết bị nhà thông minh khi chúng được sử dụng quá phổ biến? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.
Các mối đe dọa về an ninh mạng
Như đã nói, các thiết bị nhà thông minh về cơ bản đều là những sản phẩm IoT, do vậy, tất cả đều sẽ được kết nối internet thông qua mạng lưới wifi hoặc kết nối di động. Trong khi đó, có một điều cơ bản mà bất cứ ai cũng nắm được, đó là bất cứ thiết bị nào được nối mạng đều có nguy cơ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trong thế giới ảo. Như vậy có thể thấy rằng, an minh mạng và các hệ quả kéo theo chính là yếu tố đầu tiên và đồng thời quan trọng nhất phải nhắc tới khi đề cập đến những hiểm họa của công nghệ nhà thông minh. Đây sẽ là vấn đề mà các chuyên gia bảo mật mạng và chính người sử dụng thiết bị nhà thông minh phải chú ý tới ngay từ bây giờ.
Theo ước tính từ Rambus, có đến hơn 80% thiết bị IoT đang được sử dụng trên toàn thế giới hiện nay dễ bị tổn thương trước một loạt các hình thức tấn công mạng khác nhau, từ đơn giản đến cực kỳ phức tạp. Việc kết nối các thiết bị này với nhau - điều mà hầu hết mọi người đều làm trong một ngồi nhà thông minh - vô hình chung lại biến thành một hình thức khuếch đại rủi ro an ninh mạng bằng cách tạo một “địa chỉ” mà tin tặc có thể sử dụng để tấn công vào thiết bị cũng như xâm phạm quyền riêng tư hoặc đánh cắp dữ liệu của bạn. Để hiểu đơn giản, hãy nghĩ về tình huống này như một “dòng chảy” domino. Khi một thiết bị bị xâm nhập thành công, các thiết bị khác đã kết nối với nó đều có thể dễ dàng trở thành mục tiêu kế tiếp, dân đến sự “sụp đổ” của toàn bộ hệ thống. Chiếm quyền điều hành là một trong những hình thức tấn công nhắm đến thiết bị nhà thông minh phổ biến nhất hiện nay.
“Các cuộc tấn công dạng này tương đối khó phát hiện bởi kẻ tấn công không hề thay đổi hay can thiệp vào bất cứ chức năng cơ bản nào của thiết bị. Hơn nữa, hacker cũng chỉ mất công khoan thủng 1 thiết bị duy nhất là đã có thể xâm nhập và lây nhiễm trên tất cả các thiết bị khác trong mạng lưới nhà thông minh của “khổ chủ". Ví dụ, một kẻ tấn công ban đầu chỉ cần làm sao để chiếm được quyền kiểm soát đối với bộ điều nhiệt thông minh, từ đó, hắn có thể truy cập vào toàn bộ hệ thống mạng, sau đó thu thập thông tin hoặc thay đổi mã PIN ẩn mình hoàn hảo trên hệ thống đó”, các chuyên gia Rambus giải thích.
Một số mối đe dọa an ninh mạng phổ biến khác đối với các hệ thống nhà thông minh có thể kể đến như những cuộc tấn công trung gian (man-in-the-middle), tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) và từ chối dịch vụ vĩnh viễn (PDoS). Những cuộc tấn công này có thể dẫn đến việc dữ liệu cá nhân bị đánh cắp và thậm chí mất quyền riêng tư vật lý (đối với các thiết bị có chứa camera hay micro thu âm).
Hiểm họa về quyền riêng tư
Nói về micro thu âm, đây là một trong những mối lo ngại đặc biệt đáng quan tâm trên các thiết bị loa thông minh hỗ trợ trợ lý ảo AI như Amazon Echo hay Google Home. Để trả lời yêu cầu của người dùng, các thiết bị này sẽ được đánh thức bởi một số từ gợi ý, như “Hey, Google” hay “Alexa”. Để có thể lập tức nhận diện các từ gợi ý này ngay khi người dùng ra lệnh, các thiết bị loa thông minh phải luôn trong trọng trạng thái “lắng nghe”, thức là micro trên thiết bị sẽ luôn ở trạng thái hoạt động và thu lại mọi âm thanh xung quanh. Và trong khi các nhà sản xuất tuyên bố rằng sẽ hoàn toàn không có bất cứ âm thanh nào được ghi lại cho đến khi từ gợi ý được đưa ra, thế nhưng tính xác thực của những tuyên bố này rất khó chứng minh. Sau hàng loại các bê bối đáng báo động về việc quyền riêng tư của người dùng đang bị xâm phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực công nghệ trên toàn thế giới thời gian qua, chủ nghĩa hoài nghi trong cộng đồng người tiêu dùng công nghệ đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, và không ít người đã phải tự hỏi liệu họ có đang “hy sinh” quyền riêng tư của mình để đổi lấy những tiện ích công nghệ mới lạ như ra lệnh giọng nói? Theo tôi điều này là quá rõ ràng, đổi lại, có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi rằng liệu những tiện ích đó có đáng để đánh đổi lấy những rủi ro dữ liệu cá nhân hay không!
Những câu chuyện liên quan đến quyền riêng tư cá nhân và các thiết bị nhà thông minh không phải là hiếm. Trong đó, tình huống mà một người phụ nữ tên Danielle, sống tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ gặp phải đã để lại rất nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm. Theo đó, đã có một vài cuộc trò chuyện riêng tư giữa Danielle và chồng không rõ bằng cánh nào lại được gửi qua email một cách ngẫu nhiên cho vài đồng nghiệp khác của cô - một sự cố tai hại. Sau đó ít lâu, có một báo cáo cho biết các nhóm nhân viên và nhà thầu tại Amazon đã được giao nhiệm vụ lắng nghe các đoạn hội thoại hàng ngày - lên tới 1.000 cuộc hội thoại mỗi ca - với tên khách hàng, số sê-ri thiết bị và số tài khoản Amazon được thu lại từ các thiết bị loa thông minh Amazon Echo (trong số các bản ghi âm đã được các nhân viên Amazon “xem xét”, thậm chí còn có những tình huống khá “éo le” như việc có một người phụ nữ hát trong khi tắm, một đứa trẻ la hét trong phòng và thậm chí là âm thành dường như xuất phát từ một vụ tấn công tình dục).
Mặc dù cả Amazon lẫn Google đều tiếp tục đưa ra các bản phát hành tương đối giống nhau liên quan đến việc thông tin ẩn danh và các bản ghi âm được xử lý với mức độ bảo mật cao, vẫn có lý do để lo lắng về sự riêng tư trong trường hợp này. Tất nhiên không phải lúc nào các bản thu âm tự động của Amazon Echo hay Google Home đều “vô dụng” hoặc đáng lên án. Vào năm 2016, một người đàn ông ở Arkansas đã bị bắt vì tội giết bạn trong chính ngôi nhà của người này. Không may cho tên sát nhân, âm thanh về toàn bộ vụ xô xát đã được thu lại bởi loa thông minh Amazon Echo trong nhà nạn nhân, và bản ghi âm này sau đó đã được cung cấp như một bằng chứng buộc tội kẻ thủ ác tại phiên tòa. Tuy nhiên, điều này cũng đã dẫn đến những tranh cãi nảy lửa về quyền riêng tư - ngay cả trong nhà của bạn - đã không còn được tôn trọng.
Hậu quả khôn lường
Tại thời điểm này, chúng ta chỉ đơn giản là không có đủ bằng chứng hoặc “tài liệu lịch sử” để biết được những ảnh hưởng đầy đủ của công nghệ nhà thông minh và các thiết bị được kết nối thực sự là gì. Khi các thiết bị trở nên thông minh và đi kèm với đó là nhiều chức năng phức tạp hơn, mỗi đe dọa tiềm tàng mà chúng có thể gây ra cũng sẽ từ đó mà tăng lên.
Ngày càng có nhiều thiết bị nhà bếp được “thông minh hóa”, chúng có thể kết nối với smartphone và được điều khiển từ xa thông qua một ứng dụng đặc biệt trên điện thoại thông minh. Lấy ví dụ đơn giản, một chiếc lò nướng hiện đại ngày nay hoàn toàn có thể được bật - tắt từ xa thông qua một ứng dụng kết nối trên smartphone. Tiện lợi là thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi không có ai ở nhà để kiểm tra lò nướng sau khi nó được bật? Trong tình huống có sự cố chập, cháy thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nhận được cuộc gọi từ một người thân đi ra ngoài ăn tối và quên rằng lò đã được bật? Vậy thì liệu có thể nói rằng lò nướng thông minh là một thiết bị làm tăng nguy cơ hỏa hoạn?
Tất nhiên những tình huống giả định như thế này không phải lúc nào cũng có khả năng xảy ra, tuy nhiên chúng rất đáng để đưa ra mổ xẻ cũng như bàn luận về cái gọi là hiểm họa từ các thiết bị nhà thông minh. Trong thực tế, chính nhưng hậu quả không lường trước mới là thứ có thể để lại thiệt hại lớn nhất. Nhiều khi chúng ta chỉ thực sự nhận ra được mối hiểm họa khi nó đã gây ra hậu quả nặng nề.
Tìm kiếm giải pháp cân bằng
Công nghệ nhà thông minh không đáng bị hắt hủi. Trên thực tế các thiết bị smart home được tạo ra để phục vụ cuộc sống của con người và ở một khía cạnh nào đó chúng đã gánh vác được “sứ mệnh” này. Như vậy, vấn đề ở đây là không nên cấm hay quay lưng lại với lĩnh vực công nghệ đầy tiềm năng này, mà thay vào đó, hãy tìm ra cách thức để cân bằng sao cho hợp lý giữa sự thuận tiện về công nghệ và bảo mật/quyền riêng tư, cũng như sự an toàn chung.
Ở thời điểm hiện tại, thật khó để chỉ ra một cách rõ ràng sự cân bằng phù hợp là gì, đặc biệt là khi công nghệ nhà thông minh mới đang trong giai đoạn manh nha phổ biến. Tuy nhiên, chắc chắn cần phải có một sự minh bạch cao hơn từ các nhà sản xuất cũng như nhà cung cấp dịch vụ về phía thiết bị. Đồng thời, trách nhiệm cao hơn từ phía người dùng cũng là một điều cần thiết. Mỗi người hãy nên biết cách tự bảo vệ lợi ích và quyền lợi của chính mình trước khi trông chờ đến những biện pháp từ phía nhà chức trách hay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Có câu “chờ được vạ thì má đã sưng”.
Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề nhà thông minh và những hiểm họa khó lường mà công nghệ này có thể ẩn chứa? Hãy để lại ý kiến bình luận bên dưới nhé!