Đột phá số thức (Digital disruption) đã chứng kiến một số lĩnh vực, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe, trải qua những thay đổi nhanh chóng về cách mọi thứ hoạt động. Các chuyên gia y tế đã nhanh chóng áp dụng nhiều công nghệ mới, chẳng hạn như những thiết bị y tế được kết nối để cải thiện hiệu quả chăm sóc bệnh nhân và có chi phí vận hành thấp hơn.
Trong số những công nghệ này, các thiết bị y tế đeo trên người cung cấp nhiều dữ liệu chuyên sâu về sức khỏe bệnh nhân, giúp việc theo dõi của bác sĩ dễ dàng và thuận tiện hơn. Công nghệ thiết bị y tế đeo trên người này chỉ mới bắt đầu, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục tạo nên làn sóng mạnh mẽ trong ngành chăm sóc sức khỏe ở tương lai gần, vì những thiết bị này đóng một vai trò then chốt nhờ những thông tin quan trọng chúng cung cấp.
Tương lai của thiết bị y tế đeo trên người đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Thiết bị y tế đeo trên người là gì?
Thiết bị y tế đeo trên người là một thiết bị tự điều khiển, thực hiện một chức năng y tế cụ thể - có thể là hỗ trợ hoặc theo dõi sức khỏe của người bệnh - trong một thời gian dài.
Đối với bệnh nhân, những thông tin từ một thiết bị như vậy cho phép họ kiểm soát kết quả sức khỏe của mình. Mặt khác, các bác sĩ y khoa cũng có thể tiếp cận nhiều hơn, hiểu sâu hơn về hành vi của bệnh nhân và có thể sử dụng những thông tin này để cải thiện việc chăm sóc.
Theo báo cáo của Markets and Markets, 3 năm tới đây dự kiến sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, khoảng 51,6 tỷ đô la chỉ riêng trong thị trường công nghệ thiết bị đeo trên người.
Trong những năm gần đây, những tiến bộ trong Internet of Things (IoT) cũng đã chứng kiến nhiều thiết bị đeo được chuyển từ phân khúc chăm sóc sức khỏe sang theo dõi bệnh nhân theo thời gian thực.
Tương tự, việc có sẵn các thư viện mã nguồn mở, API và những framework kỹ thuật được nhúng, cùng với việc giảm giá thành cảm biến, cho phép các sản phẩm phần mềm phát triển nhanh chóng và đạt được hiệu quả cao về chi phí.
Những thiết bị y tế đeo trên người đã làm thay đổi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như thế nào?
Các thiết bị y tế đeo trên người đòi hỏi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, vì chúng cung cấp cho người dùng những dữ liệu rất cần thiết và khả năng hiển thị tốt hơn trong việc kiểm soát kết quả sức khỏe hoặc đưa ra quyết định sáng suốt. Ngày nay, thiết bị y tế đeo trên người có thể theo dõi nhiều yếu tố sức khỏe, thể chất và thể lực khác nhau để theo dõi tiến trình đạt được mục tiêu sức khỏe đã đề ra.
Các thiết bị y tế đeo trên người cũng giúp những bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là những người cần theo dõi chặt chẽ, giám sát nhiều chỉ số. Dữ liệu này sau đó được chia sẻ với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh nhân.
Vậy những thiết bị y tế đeo trên người đã làm thay đổi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như thế nào?
Theo dõi bệnh nhân cần được quan tâm đến sức khỏe liên tục
Những thiết bị y tế đeo trên người rất có lợi cho các bác sĩ vì họ có thể dễ dàng theo dõi bệnh nhân và tìm thấy vấn đề sức khỏe đang diễn ra, giúp bệnh nhân có thể nhận được lời khuyên và khuyến nghị y tế hữu ích trong khi lên kế hoạch điều trị.
Việc theo dõi sức khỏe có thể tiếp tục khi ở nhà hoặc ngay trong bệnh viện. Có nhiều trường hợp bệnh nhân đã được cứu sống nhờ những thiết bị này. Điều này đặc biệt đúng đối với những người mắc bệnh tim.
Hiển thị hồ sơ y tế của bệnh nhân trong thời gian thực
Với thiết bị y tế đeo trên người, các bác sĩ thậm chí không cần kiểm tra lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân hoặc tìm kiếm chúng trên máy tính. Các thiết bị như Google Glass có thể quét mã vạch trên giường bệnh viện và lấy hồ sơ bệnh án của bệnh nhân ngay lập tức.
Đối với các y tá, những thiết bị đeo như smartwatch có thể giúp tự động ghi nhật ký các sự kiện và sẵn sàng trợ giúp người bệnh bất cứ khi nào họ cần.
Quản lý danh tính bệnh nhân
Xác định chính xác bệnh nhân là yếu tố rất quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (NCBI) ở Mỹ báo cáo rằng khoảng 200.000 người chết mỗi năm do các sự cố trong lĩnh vực y tế, với 58% số ca tử vong là do các lỗi liên quan đến nhận dạng.
Các thiết bị y tế đeo trên người được thiết kế để giải quyết vấn đề này, bằng cách cải thiện việc xác định danh tính bệnh nhân, thông qua việc sử dụng thẻ RFID có chứa hồ sơ chăm sóc sức khỏe.
Chúng cũng chứa phần mềm có khả năng xử lý hình ảnh, giúp cho các bác sĩ chỉ cần quét dây đeo cổ tay của bệnh nhân bằng máy PDA trong quá trình kiểm tra.
Điều này sẽ loại bỏ việc xác định sai bệnh nhân, cung cấp thông tin chính xác, cập nhật về sức khỏe người bệnh, cũng như hạn chế tối đa những sai lầm có thể xảy ra trong bệnh viện.
Chẩn đoán tốt hơn và phát hiện sớm
Vì những thiết bị y tế đeo trên người cung cấp rất nhiều thông tin, nên các bác sĩ có thể lấy dữ liệu họ cần trong thời gian thực để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể nhìn thấy những chỉ số như nhịp tim, mức cholesterol, lượng calo, lượng đường trong máu, mức độ stress, thói quen ngủ, v.v... ngay lập tức.
Các thiết bị y tế đeo trên người cũng phát huy tác dụng trong việc giúp phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe và bệnh lý, bao gồm cả ung thư.
Đào tạo và giáo dục liên tục
Nhờ những công nghệ thông minh này, các bác sĩ không cần phải đi đào tạo ở xa nữa. Các bác sĩ có thể tiếp thu trực tiếp những kiến thức và kinh nghiệm từ cấp trên của mình, thông qua headset ghi lại và lưu trữ các hoạt động điều trị.
Các tổ chức chăm sóc sức khỏe cũng có thể sử dụng những thiết bị này để hợp lý hóa quá trình đào tạo việc chăm sóc sức khỏe thông qua những chương trình hợp tác từ xa. Một ví dụ điển hình là kính thực tế tăng cường (AR) của Google đã được các bác sĩ phẫu thuật tim sử dụng để điều hướng máy quét CT trong khi thực hiện tái thông mạch vành ở chế độ rảnh tay.
Kiến thức và dữ liệu y tế theo mô hình Crowd-Sourcing
Với lượng dữ liệu khổng lồ có liên quan mà những thiết bị y tế đeo trên người thu thập được trên bệnh nhân, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và học viên có thể xác định mối tương quan giữa nhiều điều kiện y tế, cho phép họ biết cách xử lý các trường hợp một cách hiệu quả.
Thị trường thiết bị đeo trong ngành chăm sóc sức khỏe rất năng động và sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới. Thiết bị chăm sóc sức khỏe IoT đeo trên người sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vì cả hai đều có được thông tin hữu ích trong việc kiểm soát hành vi sức khỏe và lựa chọn dịch vụ phù hợp tương ứng.
Trên thực tế, chúng thậm chí còn cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về tình trạng tương lai của y tế và ngành chăm sóc sức khỏe. Trên đây chỉ là một vài ví dụ chọn lọc về cách công nghệ thiết bị y tế đeo trên người sẽ tích cực xâm nhập, tác động đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của chúng ta nói chung.