Sau một quãng thời gian dài miệt mài, cùng không ít những khó khăn, mâu thuẫn tưởng chừng như không lối thoát, cuối cùng thì đội ngũ của Mozilla cũng đã có thể tạm thở phào nhẹ nhõm với thành công bước đầu của Project Things, một hệ thống xử lý mở của tiêu chuẩn Web of Things thuộc World Wide Web Consortium (W3C), có nhiệm vụ theo dõi và kiểm soát các thiết bị được kết nối (IoT). Project Things đang bước vào quá trình hoàn thành giai đoạn thử nghiệm với một tên gọi hoàn toàn mới - Mozilla WebThings - và đồng thời cũng được bổ sung một số tính năng hữu ích như ghi lại số liệu truy cập, tạo báo động và nhiều tính năng mạng khác.
“Sứ mệnh mà đội ngũ Mozilla IoT đã ấp ủ trong nhiều năm qua đó là tạo ra được một hệ thống xử lý, triển khai Web of Things, làm sao để vẫn thể hiện được các giá trị cốt lõi vốn có, trong khi cũng có thể giúp thúc đẩy các tiêu chuẩn IoT về bảo mật, quyền riêng tư và khả năng tương tác.
"Chúng tôi thực sự kỳ vọng vào một tương lai mà trong đó, phần mềm Mozilla WebThings được cài đặt trên các sản phẩm thương mại có thể cung cấp cho người tiêu dùng một nền tảng đáng tin cậy trong việc vận hành và quản lý các thiết bị kết nối nhà thông minh của họ”, kỹ sư phần mềm Ben Francis, người đứng đầu nhóm nghiên cứu IoT tại Mozilla chia sẻ trong một bài đăng trên blog.
Về cơ bản, Mozilla WebThings bao gồm 2 thành phần cốt lõi, đó là: WebThings Gateway, nhân tố chịu trách nhiệm phân phối phần mềm tập trung vào quyền riêng tư và bảo mật cho các gateway nhà thông minh. Thứ hai là WebThings Framework, một thư viện các thành phần phần mềm có thể sử dụng lại (reusable software components).
Bản phát hành mới nhất của WebThings Gateway - phiên bản 0.8 - cho phép người dùng ghi nhật ký dữ liệu riêng tư (như nhiệt độ) từ các thiết bị nhà thông minh của mình, cũng như trực quan hóa thông tin đó bằng những biểu đồ tương tác. Tính năng ghi nhật ký có thể được bật thông qua menu Settings, từ màn hình Experiments và đồng thời các bản ghi nhật ký cũng có thể được lưu giữ lại trong nhiều giờ, nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần.
“Tính năng này hiện vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng về cơ bản việc tham khảo các nhật ký như vậy sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về những loại dữ liệu mà thiết bị nhà thông minh của mình đang thu thập, cũng như đưa ra những phân tích về lượng dữ liệu mà bạn cảm thấy nên chia sẻ được với người khác thông qua các dịch vụ của bên thứ ba”, kỹ sư Ben Francis chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, WebThings Gateway 0.8 cũng mang đến khả năng tạo báo động mới cho các thiết bị như máy phát hiện khói, khí carbon monoxide và thiết bị dò chuyển động. Cụ thể, tính năng này sẽ cho phép người dùng kiểm tra xem một công cụ cảnh báo thông minh vừa nêu trên có đang hoạt động hay không, và sau đó định cấu hình cho các quy tắc cảnh báo để gửi thông tin cho người dùng trong trường hợp có bất kỳ báo động nào được kích hoạt trong khi họ không ở nhà.
Cuối cùng, Mozilla tiết lộ rằng họ đang phát triển một bản phân phối mới của WebThings Gateway dựa trên OpenWrt, một hệ điều hành Linux nhắm vào các thiết bị nhúng. Nó hướng đến các bộ định tuyến (router) dành cho người dùng ngoài, và đồng thời có thể hoạt động như một điểm truy cập Wi-Fi - cải tiến lớn so với các bản phát hành WebThings Gateway trước đây, vốn chỉ có thể kết nối với những hệ thống mạng không dây hiện tại với tư cách như một máy khách.
“WebThings Gateway đang dần phát triển thành một bản phân phối phần mềm cho các router. Đây có thể coi là sự khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của phần mềm này”.
Trước đó, Mozilla đã chính thức công bố Project Things vào tháng 2 năm 2018, vài năm sau khi thành lập một nhóm nghiên cứu tại W3C dành riêng cho dự án Web of Things. Ở cấp độ cơ bản nhất, dự án này đã cố gắng tìm cách sử dụng lại các tiêu chuẩn web có thể lập trình (ví dụ: HTTP và JSON), ngữ nghĩa, thời gian thực (ví dụ: WebSockets) và xã hội (OAuth) cho lớp ứng dụng giúp đơn giản hóa việc triển khai và quản lý internet.
Có thể nói hiện tại đang là khoảng thời gian không thể tốt hơn cho sự ra mắt của Project Things, khi IoT Analytics gần đây đã dự báo rằng số lượng thiết bị được kết nối trên toàn cầu sẽ tăng lên đến 10 tỷ thiết bị vào năm 2020 và có thể chạm ngưỡng 22 tỷ thiết bị vào năm 2025. Sở dĩ có sự phát triển mạnh mẽ như vậy trong thế giới IoT là bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp đang dần nhận ra lợi ích của IoT và chấp nhận triển khai các thiết bị này vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh của mình.