Nếu quan tâm tới thị trường máy tính nói chung thì hẳn các bạn đã từng nghe nói về dòng chip xử lý Ryzen của AMD. Sau gần nửa thập kỷ gần như không tồn tại trên thị trường CPU, năm 2017 AMD trở lại với các mẫu CPU Ryzen mạnh mẽ nhưng có mức giá rẻ.
Nằm ở trung tâm, cung cấp sức mạnh cho những con chip Ryzen chính là kiến trúc vi mô Zen.
Nhóm phát triển kiến trúc vi mô Zen được điều hành bởi Michael T Clark, Kỹ sư thiết kế cao cấp của AMD. Tuy nhiên, chính Jim Keller, một huyền thoại trong ngành công nghiệp chip, người được đa số cộng đồng công nghệ ca ngợi là thiên tài, là người giám sát toàn bộ dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại AMD, Keller đã bất mãn về các quyết định mà ban giám đốc AMD đưa ra.
Đầu năm nay, khi chia sẻ một chút về quãng thời gian làm việc tại AMD trong hội nghị "Tương lai của máy tính" tổ chức bởi Viện khoa học Ấn Độ (IISc), Keller cho biết AMD đã "ngu ngốc" khi ra quyết định hủy bỏ dự án K12 ARM.
Nếu dự án chip ARM được tiếp tục phát triển thì biết đâu AMD lại đang có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các con chip ARM đang làm mưa làm gió của Apple.
K12 ARM là dự án song song với Zen và cũng do Keller điều hành. Trong khi Zen dựa trên x86 thì K12 được xây dựng bằng kiến trúc ARM. Tại thời điểm đó, AMD và Keller đang tập trung vào dự án thực sự thú vị mang tên "Skybridge", kết hợp ARM và x86 trên cùng một socket vì chúng được thiết kế với khả năng tương thích kiểu chân cắm (pin).
Mặc dù AMD đã trình làng chip máy chủ ARM là Opteron A1100 SoC nhưng chưa một con chip nào được ra mắt có trang bị lõi K12 tùy chỉnh.
Cũng trong hội nghị đó, Keller tiết lộ rằng khi còn ở AMD, ông đã làm việc trên các thế hệ kiến trúc Zen 2 và Zen 3. Điều này đồng nghĩa với việc kiến trúc Zen 4 sắp ra mắt là thiết kế đầu tiên của AMD không bị ảnh hưởng bởi huyền thoại kỳ cựu ngành chip.
Sau khi rời AMD, Keller gia nhập đối thủ Intel, nơi ông lãnh đạo dự án có tên gọi "Royal Core" với mục tiêu tiêu diệt kiến trúc Zen 5 của AMD.