CEO AMD dự báo tình trạng thiếu chip xử lý toàn cầu trong năm 2022

Tình trạng thiếu hụt chip xử lý toàn cầu thời gian qua đã có tác động tiêu cực đến hàng loạt lĩnh vực trọng yếu khác nhau, đồng thời đặt cả phía nhà sản xuất thiết bị cũng như người tiêu dùng vào thế khó, đặc biệt trong vấn đề giá bán và lợi nhuận.

Trả lời báo giới về triển vọng của thị trường chip xử lý toàn cầu trong năm 2022, Giám đốc điều hành AMD, một trong những nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới, tỏ ra tương đối thận trọng. Cụ thể, tiến sĩ Lisa Su kỳ vọng tình trạng thiếu chip trên quy mô toàn thế giới như hiện nay sẽ chỉ tiếp diễn cho đến hết nửa đầu năm 2022. Sau đó, tình hình sẽ được cải thiện và chỉ còn xảy ra cục bộ ở một số lĩnh vực nhất định vào cuối năm.

Toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn đã phải hứng chịu một trong những "đợt hạn hán" chip xử lý tồi tệ nhất từ trước đến nay do những tác động từ đại dịch COVID-19 trong hơn 1 năm qua. Mọi thứ bắt đầu chuyển biến xấu vào cuối năm 2019 và trở nên cực kỳ tồi tệ trong giai đoạn 2020-2021, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị bẻ gãy bởi đại dịch. Đã có không ít nỗ lực phục hồi được triển khai trong vài tháng qua, nhưng kết quả thực tế nhìn chung vẫn là một bức tranh ảm đạm.

AMD và một số gã khổng lồ trong ngành công nghiệp bán dẫn đã trải qua vô số khó khăn về nguồn cung suốt thời gian qua. Nhưng theo CEO Lisa Su, lần phục hồi tới đây là tương đối triển vọng:

“Chúng ta đã trải qua những chu kỳ thăng trầm nối tiếp suốt thời gian qua trong đó nhu cầu vượt quá nguồn cung hoặc ngược lại. Nhưng lần này thì khác.

Bạn biết đấy, có thể mất từ 18 đến 24 tháng để một khoản đầu tư hay một chính sách lớn cho thấy tác dụng. Trong một số trường hợp, thời gian chờ đợi thậm chí còn lâu hơn thế. Những “khoản đầu tư” như vậy đã được ngành công nghiệp bán dẫn bắt đầu triển khai có lẽ gần 1 năm trước đây, và 2022 sẽ là năm chứng kiến sự thay đổi tích cực”.

CEO Lisa Su
CEO Lisa Su

Theo CEO AMD, tình trạng thiếu chip không chỉ giới hạn ở lĩnh vực CPU và GPU, mà sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2022. Các dấu hiệu phục hồi hầu như sẽ chỉ xuất hiện trong nửa cuối năm 2022. Trước đó, cả Giám đốc điều hành của AMD và NVIDIA đã tuyên bố rằng tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài trong suốt năm nay (2021), và điều đó đã trở thành sự thật.

Trong tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã nhấn mạnh tình trạng thiếu hụt chip đã trở nên tồi tệ đến mức sẽ là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến việc thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như toàn thế giới thời kỳ hậu COVID-19. Do đó, những chính sách ứng phó cần thiết đã được chính phủ nhiều quốc gia triển khai.

Chính quyền tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy Quốc hội Mỹ ban hành một dự luật trị giá 52 tỷ đô la gọi là “Chips for America Act”, nhằm “khuyến khích gia tăng sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn ở Mỹ”.

Tình trạng tồi tệ mà chúng ta chứng kiến cho đến nay là do nguồn cung không thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến việc giá bán đến tay người tiêu dùng buộc phải tăng lên.

Về phần mình, người tiêu dùng cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trả những mức giá cao hơn để được tiếp cận với các sản phẩm công nghệ. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, thế giới sẽ còn phải chứng kiến rất nhiều hệ lụy đáng lo ngại khác.

Thứ Ba, 28/09/2021 20:10
52 👨 330
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ