Một nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel đã cảnh báo thế hệ trẻ không nên dồn sức vào nghiên cứu các môn Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học) (STEM), đồng thời cho rằng những kỹ năng “đồng cảm” và sáng tạo có thể phát triển mạnh trong một thế giới bị thống trị bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Christopher Pissarides, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế Luân Đôn, cho biết những người lao động làm một số công việc CNTT nhất định có nguy cơ gieo “hạt giống tự hủy diệt” cho chính họ bằng cách phát triển AI theo hướng có khả năng đảm nhận những công việc tương tự như họ đang làm trong tương lai.
Mặc dù giáo sư Pissarides là một người lạc quan về tác động tổng thể của AI đối với thị trường việc làm, nhưng ông lại nêu lên mối lo ngại đối với những người theo học các môn STEM với hy vọng nắm bắt được những tiến bộ công nghệ. Ông nói rằng mặc dù nhu cầu về kỹ năng STEM tăng trưởng nhanh chóng, nhưng những công việc đòi hỏi kỹ năng trực diện truyền thống hơn, chẳng hạn như trong ngành khách sạn và chăm sóc sức khỏe, vẫn sẽ thống trị thị trường việc làm.
“Các kỹ năng cần thiết bây giờ để thu thập, đối chiếu, phát triển và sử dụng dữ liệu để phát triển giai đoạn tiếp theo của AI hoặc hơn thế nữa, giúp AI có khả năng đảm nhiệm chính những công việc này và sẽ khiến các kỹ năng cần thiết hiện nay trở nên lỗi thời trong tương lai”, ông này phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.
“Mặc dù sự tăng trưởng chắc chắn sẽ diễn ra, nhưng vẫn không đủ số lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu việc làm cho tất cả những sinh viên tốt nghiệp. Nhu cầu về những kỹ năng CNTT mới này chứa đựng những mầm mống tự hủy diệt của chính chúng”.
Sự phổ biến của các môn học STEM đã bùng nổ trong những năm gần đây khi sinh viên hy vọng bản thân có nhiều việc làm hơn.
Sự phát triển nhanh chóng của AI có thể biến đổi các kỹ năng cần thiết cho người lao động vì nó khiến một số nhiệm vụ và vai trò trở nên lỗi thời.
Tuy nhiên, về lâu dài, các kỹ năng quản lý, sáng tạo và đồng cảm, bao gồm giao tiếp, dịch vụ khách hàng và chăm sóc sức khỏe, có thể sẽ vẫn có nhu cầu cao vì chúng ít bị thay thế bởi công nghệ, đặc biệt là AI.
“Khi bạn nói phần lớn công việc sẽ là những thứ liên quan đến chăm sóc cá nhân, giao tiếp, các mối quan hệ xã hội tốt đẹp, mọi người có thể nói, 'Ôi Chúa ơi, đó có phải là những gì chúng ta phải mong đợi trong tương lai không?'", giáo sư Pissarides nói.
“Chúng ta không nên coi thường những công việc này. Chúng tốt hơn những công việc mà các sinh viên mới ra trường từng làm”.
Giáo sư Pissarides sinh ra ở Síp, cùng với Peter Diamond và Dale Mortensen, đã nhận giải Nobel Kinh tế năm 2010 nhờ công trình nghiên cứu về kinh tế thị trường lao động, đặc biệt là những xung đột dẫn đến sự không phù hợp giữa vị trí tuyển dụng việc làm và cách thức thất nghiệp, bao gồm cả việc kiểm tra mức lương như thế nào, việc tuyển dụng bị ảnh hưởng bởi các quy định và chính sách.