Theo thống kê được thực hiện gần đây bởi công ty nghiên cứu thị trường Digi-Capital cùng với sự cộng tác của AWE, mặc dù chưa từng sản xuất ra bất cứ một mẫu kính thông minh nào, thế nhưng Táo Khuyết vẫn chễm chệ “an tọa” ở vị trí doanh nghiệp được quan tâm nhiều thứ ba thị trường smartglasses tính đến thời điểm hiện tại và chỉ chịu đứng sau 2 tên tuổi vốn đã quá nổi tiếng trong lĩnh vực này là Microsoft HoloLens và Magic Leap. Kết quả lạ lùng này cũng có thể được giải thích là do những lợi thế tự nhiên về thương hiệu, khả năng hỗ trợ công nghiệp và tiềm năng công nghệ của Apple, thế nhưng tại sao một vài công ty khác vốn đã từng ra mắt không ít sản phẩm được đánh giá rất cao, chẳng hạn như Google, lại không thể chen chân được vào top dẫn đầu? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.
Apple và thị trường kính thông minh
5 thử thách trong thị trường kính thông minh
Kính thông minh (smartglasses) là một thị trường mới, chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển nhưng bên cạnh đó cũng bao gồm không ít thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là về mặt sản phẩm. Cũng giống như những sản phẩm công nghệ hiện đại khác, một chiếc kính thông minh muốn được thị trường đón nhận tích cực phải đảm bảo được một vài yếu tố sau: Chất lượng hoàn thiện (lấy ví dụ với các sản phẩm của Apple, vốn được biết đến với chất lượng hoàn thiện rất tốt), thời lượng pin tốt (đảm bảo tối thiểu 1 ngày sử dụng), khả năng kết nối di động, mức độ phong phú của hệ sinh thái ứng dụng hỗ trợ, và cuối cùng là giá bán.
Cho đến khi một bước đột phá lớn trong công nghệ sản xuất pin thực sự được giới thiệu, có thể nói những mẫu kính thông minh AR vốn ưa chuộng thiết kế độc lập, gọn nhẹ, trong khi vẫn phải “gánh” các tác vụ AR nặng sẽ khó có thể cung cấp khả năng sử dụng liền mạch trong cả ngày dài mà không sở hữu viên pin có thể tháo rời. Thiết kế theo kiểu có thể thay pin như vậy thường phù hợp trong môi trường doanh nghiệp, trong khi lại khó bán hơn cho người tiêu dùng cá nhân. Ngoài ra, lịch sử đã chỉ ra rằng luôn có sự tồn tại của những rủi ro lớn đối với các nhà phát triển, doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng kho ứng dụng hỗ trợ cho các nền tảng mới, ít nhất là cho đến khi các ứng dụng về cơ bản hoàn thành được mục tiêu đề ra và bước đầu được cộng đồng đón nhận tích cực. Đây là một trong những vấn đề nan giải mà tất cả mọi nền tảng công nghệ mới đều phải đối mặt.
Cách đây 3 năm, thông qua việc phân tích 5 thách thức trên trong bối cảnh lộ trình phát triển của Apple, Digi-Capital đã lần đầu tiên dự báo gã khổng lồ Cupertino sẽ cho ra mắt những chiếc điện thoại thông minh đi kèm với kính thông minh vào năm 2020. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, Tim Cook và đội ngũ của mình dường như vẫn đang phải loanh hoay trong mớ bòng bong liên quan đến doanh số iPhone và đồng thời cũng chẳng có bất cứ thông tin nào chỉ ra rằng một chiếc kính thông minh mang logo táo khuyết sẽ được ra mắt vào năm sau.
Ngay cả trong trường hợp Apple smartglass ra mắt dưới dạng thiết bị ngoại vi dành cho điện thoại thông minh cao cấp, không phải ai cũng sẵn lòng bỏ thêm tiền hoặc mang theo nhiều thiết bị “lích kích”. Tuy nhiên, nếu kịp ra mắt sản phẩm trong năm 2020, giới phân tích cho rằng Apple vẫn hoàn toàn có thể bán được vài chục triệu chiếc Apple smartglass trên toàn thế giới cho đến năm 2023, điều này đồng thời cũng có thể giúp thúc đẩy nhu cầu của doanh nghiệp trong việc khuyến khích nhân viên sử dụng thiết bị công nghệ của chính mình. Trên thực tế, những chiếc kính thông minh độc lập hoàn toàn có thể trở thành thiết bị thay thế cho điện thoại thông minh ở quy mô toàn cầu.
Microsoft HoloLens và Magic Leap
Kính thông minh hiện nay phần lớn vẫn chỉ được tập trung vào phân khúc doanh nghiệp. Trong đó số lượng thiết bị được sử dụng trong doanh nghiệp cũng không quá nhiều và có sự phân hóa rõ rệt từ hàng chục nghìn (ví dụ: Vuzix, Google Glass Enterprise Edition) đến hàng trăm nghìn (Microsoft HoloLens 2 với hợp đồng 100.000 sản phẩm kính thông minh cho quân đội Hoa Kỳ). Digi-Capital dự báo các loại kính thông minh dành cho doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô lên tới hàng triệu người dùng vào năm 2023, và kết quả này được thúc đẩy chủ yếu bởi Microsoft, Google và một loạt các công ty khởi nghiệp tiềm năng khác. Trong khi đó, Magic Leap lại là một công ty khởi nghiệp thực tế tăng cường tập trung nhiều vào phân khúc người dùng cá nhân với vai trò vừa là người sáng tạo vừa là nhà phát triển (và doanh nghiệp).
Trong bối cảnh đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Microsoft HoloLens và Magic Leap được giới phân tích đánh giá là 2 nền tảng kính thông minh quan trọng nhất trên thị trường hiện nay. Vậy thì còn trường hợp của Apple thì sao? Mặc dù không sở hữu bất cứ sản phẩm nào ở thời điểm hiện tại, thế nhưng cuộc khảo sát này chỉ ra rằng Táo Khuyết hoàn toàn có thể trở thành một đối thủ nặng ký nếu họ chọn tham gia vào thị trường này.
Apple và hướng đi riêng
Nếu nói tên tuổi nào có thể cho ra mặt các sản phẩm kính thông minh chất lượng cao, tạo được tiếng vang trên thị trường, Apple chắc chắn phải là một trong những cái tên nằm ở top đầu. Mặc dù đã phải nhận không ít chỉ trích về mặt sáng tạo và thiết kế sản phẩm trong lĩnh vực smartphone vài năm trở lại đây, thực tế là những chiếc iPhone vẫn được đón nhận ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Trừ khi Apple đang nắm trong tay một công nghệ pin bí mật, có thể đem lại thời lượng sử dụng vượt trội, những chiếc kính thông minh ghép nối vật lý với iPhone (physically tethering) có thể là một giải pháp thiết thực cho thách thức về pin với công nghệ hiện tại. Physically tethering thông qua dây dẫn có thể là một giải pháp kiện toàn cho cả iPhone và Apple smartglasses về không những mặt thời lượng pin mà còn cả chất lượng kết nối (do 2 sản phẩm sẽ được kết nối trực tiếp chứ không phải qua kết nối không dây). Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với lộ trình phát triển thiết bị ngoại vi của Apple (ví dụ: Apple Watch, AirPods). Apple có thể chọn đi theo con đường có dây với đầu nối lightning độc quyền, thế nhưng kết nối không dây đương nhiên tiện lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là về mặt khả năng sử dụng linh hoạt.
Kết nối di động sẽ không là một vấn đề lớn nếu như có sự tham gia của iPhone trong “cụm kính thông minh” trên, không giống như HoloLens và Magic Leap dựa trên Wi-Fi. Tác động của 5G đối với AR Cloud (lớp dữ liệu 3D cho thế giới thực) khi công nghệ kết nối này trở nên phổ biến có thể trở thành một yếu tố tạo ra sự khác biệt.
ARKit là một trong những công nghệ mang lại sự thú vị, đồng thời mở ra nhiều con đường mới cho phát triển ứng dụng iOS. ARKit (Apple ARKit) là nền tảng và là công cụ để phát triển ứng dụng thực tế ảo tăng cường (AR) của Apple cho các thiết bị iOS và hiện giờ nó đã có mặt trên iPhone, iPad… Nền tảng này đã được thiết lập để tiếp cận 3/4 tỷ thiết bị trong năm nay và tối đa 800 triệu thiết bị vào năm 2020. Tuy nhiên thách thức đối với AR di động là những trường hợp sử dụng quan trọng, nhằm chuyển đổi trải nghiệm người dùng theo cách mà người dùng quan tâm và điều đó không thể được thực hiện bằng bất kỳ cách nào khác. Pokémon Go, các bộ lọc nhắn tin và Google Maps là một sự khởi đầu, nhưng những trường hợp sử dụng quan trọng hơn cũng rất cần thiết.
Trên thực tế, Apple Glasses khi ra mắt vẫn có thể nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ hệ sinh thái dành cho nhà phát triển AR với 3 năm kinh nghiệm: ARKit, tính đến cuối năm 2020 tới đây. Có thể thấy điều này cũng góp phần giải thích cho lý do Tim Cook và Apple đã không ngừng tập trung vào ARKit kể từ năm 2017. Phân tích của Digi-Capital cũng cho thấy doanh thu trung bình của ARKit trên mỗi người dùng (ARPU) cao gấp đôi so với ARCore của Google. Đồng thời, ARCore hiện cũng sở hữu ít hơn ARKit 400 triệu lượt cài đặt cơ sở. Cùng với hệ sinh thái tích hợp Apple, điều này có thể giúp làm giảm mối lo ngại của nhà phát triển về việc đầu tư vào một nền tảng ngoại vi mới của Apple, đặc biệt là sau khi Apple Watch không phát triển được như kỳ vọng ban đầu.
Apple có nhiều năm kinh nghiệm về việc định giá đối với các thiết bị ngoại vi cho iPhone, do vậy Apple Glasses khi được ra mắt có thể sẽ trở thành thiết bị ngoại vi đắt nhất của Apple (nghĩa là sẽ đắt hơn Apple Watch, và chỉ rẻ hơn một chút so với iPhone). Điều này có thể sẽ hạn chế doanh số bán hàng trong khoảng từ 12 đến 18 tháng sau khi sản phẩm ra mắt, nhưng Apple sẽ tuân theo lộ trình định giá điển hình của mình để thu hút phần lớn người tiêu dùng khi thị trường phát triển và dần được định hình.
Một ưu điểm khác của cách tiếp cận kết theo kiểu biến kính thông minh thành thiết bị ngoại vi kết nối điện thoại thông minh đó là giảm chi phí đầu tư cho vật liệu sản xuất so với các giải pháp tất cả trong một (ví dụ: HoloLens) hoặc “breakout-box” (ví dụ: Magic Leap) bằng cách chia sẻ sức mạnh tính toán, xử lý với chính iPhone. Đây là một lợi thế tự nhiên khác của Apple, so với những đối thủ không nắm trong tay các sản phẩm điện thoại thông minh, đồng thời giúp công ty chiếm được lợi thế tiềm năng về mặt giá bán. Tất nhiên lợi thế này cũng có thể được chia sẻ bởi các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác (ví dụ: Samsung) nếu họ cũng tung ra các sản phẩm kính thông minh theo kiểu tương tự.
Liệu Apple sẽ lại là kẻ chiến thắng như đã làm được trong thế giới smartphone?
Hiện vẫn còn quá sớm để nói về những thành công hay thất bại đối với thị trường kính thông minh nói chung, tuy nhiên nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực này đang bắt đầu chu trình hoàn lại vốn đầu tư (ROI). Đây nhìn chung là một thực tế đáng khích lệ đối với Microsoft, Magic Leap và nhiều nhà sản xuất kính thông minh khác, thế nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó.
Khảo sát của Digi-Capital và AWE, bao gồm tất cả các nền tảng AR/VR chính trên thị trường hiện nay chứ không chỉ là kính thông minh, và nhờ đó, Apple đã thu hút được 43% sự quan tâm từ phía cộng đồng cho một “sản phẩm” kính thông minh mà họ chưa từng tiết lộ bất cứ thông tin nào. Như vậy, chẳng có gì là bất hợp lý nếu suy đoán rằng một khi Apple thực sự ra mắt sản phẩm, sự quan tâm cũng như hỗ trợ mà thị trường dành cho họ thậm chí còn lớn hơn thế rất nhiều. Nhìn vào số liệu thống kê, với việc thu hút được 77% và 67% sự quan tâm từ thị trường, ông chủ HoloLens Alex Kipman và Giám đốc điều hành Magic Leap Rony Abovitz chắc chắn nên vui mừng về những thành công bước đầu mà họ gặt hái được ngày hôm nay, thế nhưng Apple với lượng “fan hâm mộ” đông đảo và danh tiếng bấy lâu nay hoàn toàn có thể trở thành kẻ thách thức đáng gờm trong thị trường kính thông minh nói riêng và thực tế ảo nói chung khi họ chính thức tham gia vào cuộc chơi.