Tỷ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg luôn là tấm gương cho những khởi nghiệp noi theo. Trang web fundersandfounders đã có dịp tổng hợp lại những lời khuyên của Mark trong một bức ảnh Infographic.
1. Dám đón nhận rủi ro
Đối với Mark, khởi nghiệp là phải dám chấp nhận rủi ro, nó là một phần tất yếu của cuộc chơi mà mỗi founder đều phải đón nhận ở những mức độ khác nhau. Nếu không có bản lĩnh đối đầu với thất bại, khởi nghiệp sẽ không dám dấn thân vào bất cứ thử thách nào, thậm chí không thể bước ra khỏi vùng an toàn của chính bản thân.
2. Tập trung hoàn thành sản phẩm
Với một sản phẩm công nghệ, người ta có thể dễ dàng nghĩ ra hàng tá các tính năng. Tuy nhiên, bất cứ tính năng nào tích hợp vào sản phẩm phải dựa trên nhu cầu của khách hàng. Nếu một tính năng được xây dựng mà không thực sự đem lại hiệu quả sẽ là một sự lãng phí lớn về nguồn lực. Do vậy, tất cả sản phẩm nên được hoàn thiện ở mức cơ bản nhất để khách hàng có thể sử dụng dễ dàng.
3. Làm việc quyết liệt
Khởi nghiệp là sẽ gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại, né tránh rào cản này thì lại có rào cản khác tìm đến. Cách tốt nhất là làm việc một cách quyết liệt, sẵn sàng giải quyết những bài toán khó nảy sinh. Ngoài ra, trong những tình huống khó khăn thường tồn tại một điểm nút thắt cố chai, khởi nghiệp cần tập trung nguồn lực giải quyết nút thắt này, khi đó, những khó khăn khác sẽ tự động được giải quyết.
4. Ưu tiên việc dễ trước
Khối lượng công việc của khởi nghiệp luôn là khổng lồ và bề bộn, không giống như những công ty, tập đoàn đã ổn định, mọi thứ đều tuân theo một quy trình đã vạch ra sẵn. Khởi nghiệp cần ưu tiên những công việc đơn giản, có thể hoàn thành nhanh trước. Tránh tình trạng dồn nguồn lực giải quyết những công việc quá khó khăn trước tiên, điều này rất dễ gây ra tình trạng mất phương hướng nếu công việc đó không thể hoàn thành đúng thời hạn trong khi những công việc dễ khác vẫn chưa ai làm.
5. Sản phẩm thực tế sẽ chiến thắng lý thuyết
Hàng trăm ý tưởng hay ho sẽ không có giá trị khi nó mãi nằm trên giấy. Những ý tưởng được hiện thực hóa bằng sản phẩm thực tế luôn được đánh giá cao hơn rất nhiều.
6. Xây dựng sản phẩm cho mục tiêu dài hạn
Trong suốt quá trình phát triển, khởi nghiệp cần xây dựng sản phẩm mang tính chiến lược, lâu dài và là trụ cột trong hệ sinh thái sản phẩm của mình. Tất cả những sản phẩm khác sẽ có tác dụng hỗ trợ cho sản phẩm chiến lược. Điều này cần được xác định ngay từ đầu và tập trung tuyệt đối cho tầm nhìn dài hạn, đó có thể là đích đến của doanh nghiệp, tránh những thứ khác xen vào làm sao nhãng và lãng phí nguồn lực.