Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Rochester đã đưa ra ý tưởng về một concept (mô hình) thành phố được xây dựng hoàn toàn bên trong một tiểu hành tinh, giúp mở ra tầm nhìn về việc xây dựng nơi cư trú mới của con người ngoài không gian.
Trên thực tế, nghiên cứu này đã vay mượn một số kiến thức cơ bản từ khái niệm "ống hình trụ O'Neill", ý tưởng do nhà vật lý Gerard O'Neill đề xuất trong một nghiên cứu của NASA vào năm 1972. Theo đó, con người sẽ sinh sống trên bề mặt uốn cong tựa như lớp kính của thủy cung của một kiến trúc có tên gọi là Khối cầu Bernal.
Nhưng trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đề xuất các phi hành gia tạo ra một "chiếc túi" khổng lồ được xây dựng bên trong lõi của một tiểu hành tinh, rồi dùng lưới sợi nano để cố định lớp bề mặt. Bên trong “chiếc túi” này có đầy đủ yếu tố cần thiết như dưỡng khí, lương thực, nhà ở… cho phép con người xây dựng môi trường sống.
Mô hình này được các nhà nghiên cứu đánh giá là rất khả thi. Họ cho rằng, trong tương lai con người hoàn toàn có thể xây dựng được những khu dân cư lớn trong không gian tương đương với kích thước thành phố Manhattan (Mỹ).
Adam Frank, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, ý tưởng xây dựng một thành phố hoàn toàn trong không gian được đưa ra dựa trên khái niệm của khoa học viễn tưởng để đưa ra hướng đi mới cho việc sử dụng một tiểu hành tinh.
Nếu tính toán của họ chính xác thì đây có lẽ là phương án khả thi, cho phép con người khám phá Hệ Mặt Trời với chi phí thấp và mở ra cơ hội sống ngoài không gian cho nhiều người.
Tuy nhiên, có lẽ con người có thể cần ít nhất vài thập kỷ, thậm chí là hàng thế kỷ nữa mới tiếp cận được ý tưởng này do tồn tại nhiều hạn chế và thách thức, điển hình như cơ sở hạ tầng phóng vẫn chưa sẵn sàng để tiếp cận không gian, chi phí đắt đỏ, sử dụng vật liệu nào để xây dựng thành phố bên trong một tiểu hành tinh.