Vẻ đẹp của vũ trụ trong bước sóng tia X của kính thiên văn Chandra

Hệ thống kính thiên văn Chandra của NASA đã liên tục quan sát vũ trụ bằng bước sóng tia X trong hơn 2 thập kỷ kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 1999. Mặc dù cũng mang về không ít đóng góp quan trọng cho sứ mệnh khám phá vũ trụ của nhân loại, nhưng Chandra không nổi tiếng như các hệ thống kính viễn vọng không gian khác như Hubble hoặc Spitzer.

Một phần nguyên nhân là bởi vũ trụ trông rất khác - đôi khi gần như không thể nhận ra được - ở bước sóng tia X mà Chandra quan sát, đòi hỏi người xem phải có kiến thức tương đối về thiên văn học mới có thể hiểu phần nào ý nghĩa. Tuy nhiên trên thực tế, đây hoàn toàn có thể là nguồn dữ liệu mang đến những kiến thức vô giá về các thiên hà xa xôi và đặc biệt là những hiện tượng không gian kỳ lạ. Ngoài ra khi dữ liệu tia X được kết hợp với dữ liệu ở các bước sóng khác tạo thành một hình ảnh có thể nhìn thấy được, lượng thông tin ẩn chứa trong đó sẽ là rất lớn và vô cùng quý giá.

NASA mới đây đã phát hành bộ sưu tập những hình ảnh tuyệt đẹp được tổng hợp từ các quan sát bằng tia X kết hợp với nhiều bước sóng khác của kính thiên văn Chandra, cho thấy cách thức các hệ thống kính thiên văn kiểu này có thể mang đến cho nhân loại những cái nhìn về vũ trụ qua nhiều lăng kính khác nhau.

Các hình ảnh tổng hợp chứa dữ liệu tia X từ Chandra cũng như các kính thiên văn khác.
Các hình ảnh tổng hợp chứa dữ liệu tia X từ Chandra cũng như các kính thiên văn khác.

Vật thể mà bạn nhìn thấy ở hình ảnh trên cùng bên trái chính là thiên hà M82, với dữ liệu tia X của Chandra hiển thị các luồng khí có màu xanh lam và hồng, trong khi dữ liệu ánh sáng nhìn thấy từ Hubble cho thấy thiên hà có màu đỏ và cam. Những luồng khí này phát sáng trong các dòng lan toản có nhiệt độ trên mười triệu độ C, bị đốt nóng bởi năng lượng phát ra từ nhiều vụ nổ siêu tân tinh.

Bức cảnh ở giữa hàng trên là cụm thiên hà có tên Abell 2744. Đây là một tập hợp khổng lồ của các thiên hà liên kết với nhau thông qua lực hấp dẫn, và cũng chứa một đám mây khí nóng khổng lồ có thể lên tới hàng chục triệu độ C. Sức nóng của luồng khí này khiến nó phát sáng rực rỡ trong quang phổ tia X dưới gam màu màu xanh lam theo quan sát của Chandra.

Ở trên cùng bên phải là một trong những vụ nổ siêu tân tinh sáng nhất được quan sát trong những năm 1980 với tên gọi SN 1987a. Dữ liệu của Chandra hiển thị sóng xung kích của vụ nổ dưới dạng màu xanh lam, trong đó dữ liệu của Hubble bổ xung vào phần còn lại của bức ảnh những gam màu khác.

Phía dưới cùng bên phải là hình ảnh cho thấy một hệ thống vật chất tồn tại ở phần rìa của siêu tân tinh được gọi là Eta Carinae, với hai ngôi sao quay quanh gần nhau. Hình ảnh này không chỉ bao gồm dữ liệu tia X của Chandra mà còn có cả dữ liệu tia cực tím do Hubble thu thập, được hiển thị bằng màu lục lam.

Hình ảnh ở giữa hàng dưới chính là Thiên hà Bánh xe (Cartwheel Galaxy) nổi tiếng, có hình dạng đặc biệt khi một thiên hà nhỏ va chạm dữ dội với thiên hà lớn hơn. Dữ liệu của Chandra cho thấy luồng khí nóng phát ra từ vụ va chạm có màu tím, và dữ liệu của Hubble có màu đỏ, xanh lục và xanh lam, cho thấy vụ va chạm kích hoạt sự hình thành sao như thế nào.

Cuối cùng, hình ảnh phía dưới cùng bên trái là Tinh vân Helix tuyệt đẹp, cho thấy cái nhìn thoáng qua về việc mặt trời của chúng ta có thể trông như thế nào trong hàng tỷ năm nữa khi nó cạn kiệt nhiên liệu và tạo thành một đám mây bụi khí khổng lồ. Ở đây, dữ liệu hồng ngoại từ kính thiên văn Spitzer được hiển thị bằng màu xanh lá cây và màu đỏ, dữ liệu ánh sáng quang học từ Hubble được hiển thị bằng màu cam và màu xanh lam, ánh sáng cực tím từ Galaxy Evolution Explorer được hiển thị bằng màu lục lam và dữ liệu của Chandra được hiển thị bằng màu trắng, làm nổi bật hình ảnh của một ngôi sao lùn nằm ở tâm của tinh vân.

Thứ Sáu, 18/09/2020 21:56
41 👨 524
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ