Đây là bức ảnh bề mặt mặt trời chi tiết nhất mà con người từng chụp được

Mặt trời chính là nhân tố quyết định sự sống trên trái đất, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều về “quả cầu lửa khổng lồ” 10 tỷ năm tuổi này mà con người vẫn chưa thể khám phá ra. Ví dụ, chúng ta đều biết rằng bề mặt của mặt trời có nhiệt độ khoảng 6.000 độ C, nhưng những vành đai bức xạ xung quanh nó có thể đạt sức nóng lên tới hàng triệu độ C, và điều này vẫn còn là bí ẩn với các nhà thiên văn học.

Tuy nhiên, những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật hiện đang giúp nhân loại ngày càng hiểu rõ hơn về “lò phản ứng hạt nhân khổng lồ” này. Mới đây, kính viễn vọng mặt trời Daniel K Inouye (Daniel K. Inouye Solar Telescope) - chiếc kính viễn vọng mặt trời lớn và hiện đại nhất hiện nay của tổ chức National Science Foundation (NSF) đặt tại Maui, Hawaii đã chụp được một bức ảnh “vô tiền khoáng hậu” với sự chi tiết đến mức đáng kinh ngạc về bề mặt của mặt trời.

Cụ thể, sau 10 năm lên kế hoạch và 7 năm xây dựng, cuối cùng Daniel K. Inouye cũng cho ra thành quả đầu tiên, và đây thực sự là một tuyệt tác. Hình ảnh cho thấy một cái nhìn cận cảnh về bề mặt của mặt trời, với các cấu trúc plasma có sức nóng hàng ngàn độ tạo thành những họa tiết không có quy luật nhưng đẹp “mê hoặc”. Mỗi cấu trúc plasma này giống như những tế bào nhỏ, nhưng trên thực tế có kích thước tương đương với tiểu bang Texas - tiểu bang lớn nhất trong số 48 tiểu bang liền kề của Hoa Kỳ (khoảng 695.662 km²). Bức ảnh này sẽ cải thiện đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về tác động của mặt trời trong không gian và đặc biệt là giúp dự đoán tốt hơn quy luật của các cơn bão mặt trời cũng như như tác động của nó đến trái đất.

 Bức ảnh bề mặt mặt trời chi tiết nhất mà con người từng chụp được
Bức ảnh bề mặt mặt trời chi tiết nhất mà con người từng chụp được

Bên cạnh việc mang tới những bức ảnh rõ nét hơn, kính viễn vọng Mặt trời Daniel K. Inouye sẽ cung cấp khả năng viễn thám các lớp bên ngoài của mặt trời và các quá trình từ tính xảy ra trong chúng. Thông tin thu được sẽ có giá trị rất lớn cho lĩnh vực thiên văn học nói chung và nghiên cứu mặt trời nói riêng.

Nếu hoạt động theo đúng thiết kế, chỉ trong vòng 5 năm đầu tiên đi vào hoạt động, kính viễn vọng Mặt trời Daniel K. Inouye được cho là sẽ có thể thu thập được lượng thông tin về mặt trời nhiều hơn toàn bộ số dữ liệu về mặt trời mà nhân loại có được kể từ khi chiếc kính thiên văn mặt trời đầu tiên được ra đời vào năm 1612.

Thứ Sáu, 31/01/2020 16:29
4,84 👨 2.653
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ