Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA lại tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của mình trong lĩnh vực thiên văn học khi mang về cho nhân loại bức ảnh “có 1 không 2”, cho thấy cùng lúc một ngôi sao ở khoảng cách gần đang tỏa sáng lấp lánh và một thiên hà xa xôi tuyệt đẹp với những quầng sáng ma mị trên nền trời đen.
Sau khi phân tích, các nhà khoa học cho biết thiên hà xuất hiện trong ảnh chụp là NGC 4907, nằm cách Trái Đất 270 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Coma Berenices. Trong khi vật thể tỏa sáng rực rỡ ngay bên dưới thiên hà NGC 4907 về phía trung tâm của bức ảnh này chính là một ngôi sao nằm ngay bên trong thiên hà của chúng ta - Dải Ngân Hà.
“Tỏa sáng mạnh mẽ bên dưới NGC 4907 là một ngôi sao thực sự nằm trong thiên hà Milky Way của chúng ta. Ngôi sao này tạo ra quầng sáng rõ nét hơn nhiều so với hàng triệu ngôi sao trong NGC 4907 đơn giản bởi nó nằm gần Trái Đất hơn 100.000 lần so với thiên hà này, ở khoảng cách chỉ xấp xỉ 2.500 năm ánh sáng”, các nhà khoa học Hubble giải thích.
NGC 4907 là một dạng thiên hà được gọi là thiên hà xoắn ốc có rào chắn (barred spiral galaxy), có nghĩa là nó có cấu trúc giống như vỏ ốc, với các ngôi sao dày đặc cuộn xoáy vào vị trí trung tâm tạo thành một hiệu ứng bắt mắt. Các thiên hà xoắn ốc có rào chắn là loại thiên hà phổ biến nhất được tìm thấy cho đến nay, với khoảng 2/3 trong tổng số các thiên hà đã được con người đặt tên thuộc loại này, trong đó có cả thiên hà của chúng ta.
Một đặc điểm thú vị khác của NGC 4907 là nó sở hữu vùng phát xạ hạt nhân ion hóa thấp, do đó còn được biết đến với tên gọi (thiên hà LINER). Loại thiên hà này chứa đựng một lượng lớn khí ion hóa ở trung tâm của nó. Mặc dù các nhà thiên văn học vẫn đang tranh luận về việc liệu nguồn gốc của sự ion hóa này là do một lỗ đen siêu lớn ở trung tâm hay bắt nguồn từ năng lượng tạo ra bởi các khu vực hình thành sao trong thiên hà.