Chiêm ngưỡng những ngôi sao khổng lồ đang hình thành ở một góc Tinh vân Tarantula, đẹp tuyệt vời

Vũ trụ luôn vận động không ngừng, mang tới những điều mới mẻ và kỳ diệu mà con người chưa từng biết đến. Mới đây, kính thiên văn vũ trụ Hubble đã chụp được một hình ảnh tuyệt đẹp, có một không hai về một khu vực hình thành sao khổng lồ có tên LHA 120-N 150, tọa lạc ở “ngoại ô” của Tinh vân Tarantula.

Tinh vân Tarantula nằm cách Trái Đất hơn 160.000 năm ánh sáng trong Đám mây Magellan Lớn, là một thiên hà lùn nhỏ, đóng vai trò như một vệ tinh cho Dải Ngân Hà của chúng ta. Theo đánh giá của các nhà thiên văn học, Đây được coi là “vườn ươm sao” lớn nhất trong vũ trụ mà con người từng biết đến. Nói cách khác, Tinh vân Tarantula chứa đựng một khu vực hoạt động cực mạnh của khí và bụi vũ trụ, kết hợp với lực hấp dẫn hình thành nên các ngôi sao mới.

Khu vực hình thành sao

Các nhà thiên văn học đã dành nhiều năm nghiên cứu LHA 120-N 150 để hiểu rõ hơn về môi trường hình thành các ngôi sao lớn, và lần này họ đã tìm thấy điểm đặc biệt. Theo lý thuyết, những ngôi sao lớn thường được sinh ra trong trong các cụm sao, chỉ 10% hình thành trong sự cô lập. Tinh vân Tarantula khổng lồ với cấu trúc vô cùng đa dạng có thể được coi là 1 phòng thí nghiệm hoàn hảo để giải quyết những thắc mắc chưa có lời giải liên quan đến sự ra đời của các ngôi sao khổng lồ.

Tuy nhiên, nghiên cứu về sao lớn là một thách thức trong giới thiên văn học. Đơn giản bởi khi các ngôi sao đang trong quá trình hình thành, chúng trông rất giống một đám mây bụi dày đặc. Một cách để nghiên cứu các vùng bụi là sử dụng kính viễn vọng hoạt động trên các bước sóng khác nhau ngoài ánh sáng khả kiến. Chẳng hạn. Kính viễn vọng Không gian Spitzer của NASA đã quan sát các mục tiêu trong nhiều năm thông qua bước sóng hồng ngoại, cho kết quả khá tốt. Cách làm này cho phép các nhà khoa học có thể “nhìn xuyên qua” những đám mây bụi và quan sát các cấu trúc bên dưới để hiểu rõ hơn quá trình ra đời của một ngôi sao khổng lồ.

Thứ Hai, 30/03/2020 23:41
51 👨 623
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ