Trái đất hình thành cách đây 4,6 tỷ năm, là hành tinh thứ 3 trong Hệ Mặt Trời. Trái đất là hành tinh lớn nhất trong các hành tinh đất đá của hệ Mặt Trời với bán kính 6.371 km. Khối lượng của Trái đất là 5,972E24 kg. Vậy, làm thế nào các nhà khoa học đo đạc được kích thước, khối lượng của Trái đất?
Để tính khối lượng của Trái đất, các nhà khoa học dựa trên định luật thứ ba của Kepler từ thế kỷ XVII. Phương pháp này kết nối các thông số quỹ đạo của vệ tinh (thời gian di chuyển và hình dạng của quỹ đạo) với khối lượng của đối tượng mà nó quay quanh.
Năm 1976, NASA đã đưa vệ tinh Lageos-1 lên quỹ đạo để tính khối lượng của Trái đất. Vệ tinh Lageos-1 là một quả cầu lớn bằng hợp kim đồng - kẽm được bao phủ với những mặt lõm phản xạ có đường kính 60 cm.
Các nhà khoa học đã dựa vào thời gian trễ giữa đường truyền và phản xạ của tia laser được ghi nhận để suy ra khoảng cách của vệ tinh với Trái đất gần như chính xác tuyệt đối. Từ đó, họ đã thiết lập được giá trị của khối lượng Trái đất chính xác 5,972 x 10^24 kg.
Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm, nghiên cứu các phương pháp đo lường mới để có thể tính khối lượng của trái đất một cách chính xác nhất. Bởi nếu có được con số chính xác về khối lượng của Trái đất, các nhà khoa học có thể hiểu được cấu trúc bên trong của Trái đất, cũng như sự tương tác giữa các hành tinh với nhau hoặc dự đoán được quỹ đạo các vệ tinh.