Trái Đất rung nhẹ mỗi 26 giây, đây là một hiện tượng khó hiểu được nhà địa chất học Jack Oliver phát hiện vào năm 1962. Độ rung này rất thấp, chỉ có những cỗ máy địa chấn ghi nhận được, con người sẽ không cảm nhận được.
Khi đang làm việc tại đài quan sát địa chấn Lamont-Doherty, ông Oliver nhận thấy rằng rung động mạnh nhất xuất hiện ở Đại Tây Dương, và vào những tháng mùa hè của bán cầu bắc sẽ mạnh hơn.
Đã gần 60 năm và hiện đã có những công cụ hiện đại hơn nhưng các nhà địa chất học vẫn chưa giải mã được nhịp rung khó hiểu của Trái Đất.
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, một trong số đó giải thích rằng, rung động là hậu quả của sóng biển và núi lửa hoạt động. Tuy nhiên, giả thuyết này không thực sự thuyết phục được giới khoa học.
Năm 2012, Garrett Euler, nghiên cứu sinh tại đại học Washington đã chỉ ra địa điểm chính xác gây ra rung động này là vùng lõm Bonny thuộc vịnh Guinea và quả quyết rằng sóng biển là nguyên nhân gây ra rung động.
Năm 2013, nhà địa chấn học Doug Wiens đưa ra giả thuyết rằng, khi các đợt sóng xuất hiện trên bề mặt đại dương, chúng đập vào những vùng thềm lục địa. Phản ứng từ áp lực sóng tới thềm đại dương chính là nguyên nhân gây ra sự rung động của trái đất. Rất tiếc, giả thuyết này cũng không thuyết phục được giới địa chất học.
Bên cạnh nguyên nhân gây ra rung động cho Trái đất, một câu hỏi lớn nữa cũng được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời “vì sao rung động lại xảy ra ở đúng lõm Bonny, thuộc vùng vịnh Guinea?”. Địa hình tương tự như vậy xuất hiện ở nhiều nơi khác trên Trái Đất nhưng chỉ có vùng lõm Bonny gây ra rung động đều đặn, mỗi 26 giây.