Một cơn bão Mặt trời mức độ vừa phải đang đổ bộ Trái đất có khả năng gây ra hiện tượng cực quang nhảy múa trên bầu trời ở khu vực Bắc Mỹ.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, cực quang lần này xuất hiện ở vĩ độ thấp hơn nhiều so với bình thường và có thể xuất hiện vào đêm 27.9 ở miền bắc nước Mỹ, bao gồm New York, Wisconsin và Washington.
Bão Mặt trời được hình thành từ một lượng lớn các hạt tích điện và plasma do Mặt trời phóng ra khắp không gian. Bão Mặt trời mạnh khi tiếp cận Trái đất có thể gây ra hiện tượng cực quang và gây ra bão từ khiến vệ tinh và thiết bị truyền tải điện mặt đất bị gián đoạn.
Theo NOAA, cơn bão Mặt trời lần này được xếp hạng là cơn bão cấp G2 trên thang năm cấp, mạnh nhất là G5 nên vẫn tương đối yếu, không gây tác động lớn.
Những cơn bão Mặt trời cấp G4 trở lên mới có khả năng gây ra mất điện trên diện rộng trên Trái đất.
Bão mặt trời xảy ra khi các vụ phun trào nhật hoa (CME) quanh xích đạo Mặt trời với tốc độ cực lớn thoát ra khỏi bầu khí quyển ngoài cùng của Mặt trời và lao vào lá chắn từ trường của Trái đất. Sau khi thoát khỏi Mặt trời, CME mất khoảng 15 giờ đến 18 giờ để đến được Trái Đất.
NOAA cho biết, trong khoảng thời gian này có tới 4 CME có thể tác động đến Trái đất. Mức độ của các tác động còn phụ thuộc vào cường độ của CME.
Mặt trời đang tiến đến chu kỳ cực đại - thời điểm hoạt động tích cực nhất trong chu kỳ 11 năm của nó nên nên từ trường của nó cũng trong trạng thái mạnh nhất. Điều này có nghĩa là sẽ ngày càng xuất hiện nhiều cơn bão Mặt trời có cấp độ lớn hơn.
NASA dự đoán rằng hoạt động của Mặt trời sẽ tăng dần cho đến tháng 7 năm 2025. Sau đó, hoạt động này sẽ chậm lại và tiến tới mức cực tiểu trong chu kỳ.