Tác động kết hợp của thuốc trừ sâu và thiếu dinh dưỡng tạo thành tác hại nguy hiểm với hệ sinh thái, nghiên cứu mới của các nhà sinh vật học tại Đại học California San Diego cho hay.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Hoàng gia B , Simone Tosi, James Nieh và các đồng nghiệp của họ đã sử dụng ong mật như "chất chỉ báo sinh học" về chất lượng môi trường. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu làm thế nào ong mật phơi nhiễm với thuốc trừ sâu neonicotinoid được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp cùng với nguồn dinh dưỡng hạn hẹp, các kịch bản thường thấy ở các vùng nông nghiệp.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu hai loại thuốc trừ sâu neonicotinoid phổ biến là clothianidin và thiamethoxam, được sử dụng trên toàn thế giới trong rau, hoa quả và ngũ cốc. Tuy nhiên, sau khi thuốc trừ sâu phun lên cây trồng, thuốc vẫn còn trong môi trường và có thể được tìm thấy trong mật hoa, phấn hoa, nước và đất.
Các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi thấy rằng mức tử vong của ong tăng lên đến 50% nhiều hơn so với các tác động cá nhân của thuốc trừ sâu và dinh dưỡng kém. Đáng ngạc nhiên là không có nghiên cứu nào trước đây đề cập được mối tương quan nguy hại này.
"Chúng tôi đã kiểm tra tác động của thuốc trừ sâu neonicotinoid khác nhau do mối quan ngại ngày càng tăng và bằng chứng về tác động tiêu cực của các thuốc trừ sâu đối với vấn đề thụ phấn của ong", Tosi, một nhà nghiên cứu bậc sau tiến sỹ thuộc Khoa Khoa học Sinh học của UC San Diego nói.
Suy giảm trong sức khoẻ ong mật đã gây ra mối lo ngại toàn cầu do vai trò sinh thái quan trọng của ong như là một loài thụ phấn chính. Sức khoẻ của ong đã được theo dõi chặt chẽ trong những năm gần đây vì các nguồn dinh dưỡng sẵn có trong mật ong đã giảm và ô nhiễm từ thuốc trừ sâu đã tăng lên.
Trong các nghiên cứu mô hình động vật, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc tiếp xúc tổng hợp với thuốc trừ sâu và dinh dưỡng nghèo nàn trong tự nhiên làm giảm sức khoẻ của ong. Con ong sử dụng đường mật làm năng lượng để bay và xây dựng tổ. Thuốc trừ sâu giảm lượng đường huyết trong cơ thể con ong và do đó giảm hiệu quả thụ phấn, sản xuất mật.
Tosi cho biết: "Những phát hiện này khiến chúng ta phải suy nghĩ lại các cách đánh giá rủi ro về việc dùng thuốc trừ sâu với cuộc sống loài ong”.