Tình hình đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu. Trên tất cả, công tác phát hiện và chặn đứng nguồn lây lan của dịch bệnh, tiến tới dập tắt các ổ dịch vẫn đang được các quốc gia đẩy mạnh triển khai.
Các nhà dịch tễ học sử dụng rất nhiều cách khác nhau để cố gắng phát hiện và theo dõi sự lây lan của dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và COVID-19 nói riêng. Tuy nhiên, một cách tiếp cận khác vừa được các nhà nghiên cứu dịch bệnh ở Úc giới thiệu đã mở ra hướng đi hoàn toàn mới: Theo dõi, phân tích nguồn nước thải.
Khái niệm nghe có vẻ kỳ quặc này này đã được các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) chứng minh. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập các mẫu nước thải từ 2 nhà máy xử lý khác nhau và sau đó phân tích hóa trạng trong phòng thí nghiệm. Kết quả là họ đã tìm thấy các đoạn RNA của virus SARS-CoV2 tồn tại trong nước thải. Đây chính là loại virus gây nên đại dịch COVID-19.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng đây không phải là một giải pháp thay thế cho phương án xét nghiệm hàng loạt đang được áp dụng rộng rãi hiện nay, nhưng nó sẽ rất hữu ích khi được sử dụng kết hợp với các phương pháp khác giúp nhanh chóng tìm ra và khoanh vùng ổ dịch.
Bên cạnh đó, phương án phân tích nguồn nước thải cũng sẽ đặc biệt có lợi trong việc phân tích tỷ lệ lây lan của COVID-19 ở cấp độ dân số, đặc biệt là đối với những trường hợp đã nhiễm bệnh mà không có biểu hiện, triệu chứng rõ ràng, nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Virus hoàn toàn có thể được tìm thấy trong chất thải của những người này.
"Loại dữ liệu dạng này có thể giúp các chính phủ xây dựng chương trình giám sát trên quy mô toàn quốc để xác định những khu vực có bằng chứng về sự bùng phát COVID-19, mà không cần phải tiến hành xét nghiệm tất cả người dân sinh sống hoặc có liên quan đến khu vực đó", Tiến sĩ Paul Bertsch, giám đốc khoa học tại CSIRO, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Mặc dù triển vọng của nghiên cứu là đầy hứa hẹn, nhưng vẫn còn nhiều rất việc phải làm nếu muốn ứng dụng hiệu quả trong thực tế - chẳng hạn như tìm ra cách phân tích nước thải sao cho đủ nhanh để phát hiện sự hiện diện của COVID-19 trong thời gian ngắn nhất có thể. Điều này có thể đạt được bằng cách sử dụng những hệ thống cảm biến chi phí thấp được lắp đặt ngay tại các nhà máy xử lý như một biện pháp sàng lọc ban đầu.
"Một chương trình giám sát quốc gia như vậy nếu được xây dựng đúng cách sẽ mang đến lợi ích đáng kể trong việc theo dõi tỷ lệ nhiễm bệnh trong giai đoạn phục hồi. Nó có thể được mở rộng theo chương trình lấy mẫu và phân tích nước thải quy mô lớn với độ chính xác cao bằng cách sử dụng phương pháp phối hợp, tiêu chuẩn, từ đó cung cấp dữ liệu giám sát nước thải kịp thời để nhà chức trách đưa ra các quyết định, phản hồi và thông tin công cộng liên quan đến dịch bệnh", Tiến sĩ Bertsch giải thích.
Ở giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ làm việc với các cơ quan chính phủ, cơ sở xử lý nước thải, trường đại học, cũng như các tổ chức nghiên cứu và phòng thí nghiệm quy mô thương mại để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả và tiến tới áp dụng thực tế.