Lượng khí nhà kính trên toàn cầu có thể giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ Thế chiến II

COVID-19 đang khiến nhân loại lao đao khi sức khỏe con người bị đe dọa, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần tê liệt. Thế nhưng đứng từ góc độ thiên nhiên, không quá khi nói rằng đây là cơ hội để trái đất tự thực hiện một cuộc đại thanh lọc, để khi dịch bệnh qua đi, chúng ta sẽ phải ngỡ ngàng khi thấy rằng tại sao môi trường lại trong lành, bầu trời lại trong xanh đến thế. Đồng thời hiểu được những tác hại ghê gớm mà các hoạt động kinh tế của con người gây ra cho trái đất.

“Lượng khí thải carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính trên hành tinh có thể giảm xuống tới mức mức chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II”, đó là kết luận mới được đưa ra bởi Global Carbon Project - một mạng lưới các chuyên gia môi trường, nhà khoa học và kinh tế học chuyên theo dõi tình trạng khí nhà kính và tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách về vấn đề này.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, sản lượng carbon dioxide của thế giới đang trên đà giảm hơn 5% mỗi năm. Đây là lần đầu tiên mức phát thải khí nhà kính có dấu hiệu đình trệ lớn đến vậy kể từ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, khi nền kinh tế toàn cầu phát triển nhanh chóng.

Thật vậy, sự bùng phát của COVID-19 đã vô tình châm ngòi cho một cuộc “thanh lọc” bầu khí quyển đang rất cần thiết đối với trái đất lúc này.

Khí nhà kính - carbon dioxide (CO2), oxit nitơ, metan và những loại khí thải khác sản sinh ra từ các hoạt động kinh tế - xã hội của con người đã làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên ít nhất 1 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời kéo theo sự biến đổi khí hậu, gây ra hàng loạt các hình thái thời tiết cực đoan.

"Suy thoái kinh tế dẫn đến sự sụt giảm trong nhu cầu sử dụng năng lượng, từ đó làm giảm đáng kể các tác động tiêu cực đến môi trường. Khí nhà kính, như carbon dioxide, đã từng giảm trong nhiều cuộc suy thoái trước đây do các hoạt động kinh tế sử dụng nhiều năng lượng bị tê liệt.

Ngoài ra, sự bùng phát của dịch bệnh toàn cầu cũng có thể có tác động sâu sắc, nhưng ngắn hạn, đối với lượng phát thải nhà kính và các chất ô nhiễm khác, vì nhu cầu đi lại ít đi và các doanh nghiệp thu hẹp mô hình sản xuất", nhà sinh thái học Kevin Rose đến từ mạng lưới Global Carbon Project nhận định.

Xả thái khí nhà kính ra môi trường

Tất nhiên, sự sụt giảm này sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Bầu trời đang dần trong vắt kia sẽ không tồn tại lâu, vì các nhà máy sẽ hoạt động trở lại, ô tô lại lấp đầy đường cao tốc và nền kinh tế quay về với đà tăng trưởng thường thấy. Thế nhưng khoảng thời gian “đình chiến” này giữa con người và thiên nhiên nhìn chung vẫn đem tới những tác động tích cực cho môi trường ở nhiều khía cạnh. Không chỉ có lỗ hổng tầng ozone được thu hẹp, những cánh rừng xanh tươi trở lại, mà các loài động vật tự nhiên cũng đang tranh thủ sự vắng mặt của con người để tận hưởng cuộc sống mà chúng đáng nhận được.

Thứ Tư, 08/04/2020 23:44
3,73 👨 620
0 Bình luận
Sắp xếp theo