Thanh xà kỳ lân tên khoa học là Gonyosoma bourlengeri và còn có tên gọi khác là rắn vòi voi hay rắn vòi, rắn voi. Đây là một loài rắn mọc sừng ở mũi có hình thù hết sức kỳ dị ở Việt Nam.
Loài rắn này có vẻ ngoài đáng sợ nhưng chúng lại rất hiền lành và có thể nuôi làm cảnh.
Rắn thanh xà kỳ lân có chiều dài cơ thể khoảng từ 1m – 1,5m. Khi còn nhỏ, toàn thân loài rắn này có màu xám. Khi trưởng thành, cơ thể chúng chuyển sang màu xanh lục hoặc xanh nõn chuối, và không có hoa văn gì thêm.
Đặc điểm dễ nhận biết nhất của rắn thanh xà kỳ lân là chiếc sừng nhọn hoắt ở đầu mũi. Chiếc sừng này là 1 khối thịt nhỏ và có chức năng chính là thu hút con mồi. Cụ thể, khi con rắn nằm trên cành cây cao, chiếc sừng sẽ đóng vai trò như 1 con sâu màu xanh để thu hút lũ chim đến săn và khi đó nó sẽ trở thành bữa ăn của thanh xà.
Ngay khi mới nở, những con thanh xà kỳ lân con đã có sừng ở đầu mũi.
Thanh xà kỳ lân là loài rắn không có độc. Thức ăn của chúng là các loài động vật có xương nhỏ như chim, chuột, ếch…
Rắn thanh xà kỳ lân phân bố chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên người ta cũng từng phát hiện loài rắn xuất hiện ở vùng rừng thuộc dãy Đèo Cả (Phú Yên).
Ở Việt Nam, loài rắn thanh xà kỳ lân còn liên quan tới một câu chuyện về một loài rắn có mào được cho là rắn thần, thường canh giữ các đền miếu… Loài rắn này không bao giờ cắn người nhưng ai cũng khiếp sợ.