Nhóm máu được xác định bởi các kháng nguyên và kháng thể trong máu. Trên thế giới hiện có khoảng 40 nhóm máu với hơn 600 loại kháng nguyên.
Trong đó, Rh null, không chứa bất kỳ kháng nguyên Rh nào trong tế bào hồng cầu, là một trong những nhóm máu hiếm nhất thế giới. Cho đến nay, thế giới mới chỉ ghi nhận có 43 người mang nhóm máu Rh null.
Vào năm 1961, các nhà khoa học phát hiện người mang nhóm máu Rh null đầu tiên là một nữ thổ dân người Aboriginal, Australia. Trường hợp phát hiện gần đây là hai phụ nữ Trung Quốc ở tỉnh Giang Tô năm 2022.
Các bác sĩ cho rằng một phôi thai sẽ không thể sống sót và phát triển thành một người bình thường nếu thiếu tất cả kháng nguyên tế bào Rh.
Nhiều người mang trong mình nhóm máu siêu hiếm này đã quyết định cống hiến cho khoa học. Thomas, người Thụy Sĩ, sau một tai nạn nhỏ đã phát hiện mình có nhóm máu hiếm. Khi trưởng thành, anh luôn cẩn thận để bảo vệ mình như lái xe cẩn thận, không đi du lịch đến những quốc gia thiếu cơ sở y tế hiện đại, và trong trường hợp phải nhập viện luôn mang theo tấm thẻ xác nhận nhóm máu Rh null trong ví.
Khi 18 tuổi, Thomas đi khắp nơi để hiến máu. Và trong một lần hiến máu cứu sống một em bé sơ sinh, anh nhận ra nhóm máu của mình rất quý giá.
James Harrison cũng mang nhóm máu hiếm và có biệt danh là "người đàn ông có cánh tay vàng". Trong trong suốt 60 năm qua từ năm 14 tuổi, gần như tuần nào ông cũng hiến huyết tương.
Harrison sở hữu một loại kháng thể bất thường trong máu và các bác sĩ đã sử dụng nó để tạo ra một loại thuốc có tên Anti-D, giúp ngăn ngừa phụ nữ có nhóm máu âm tính Rh phát triển kháng thể RhD trong thời kỳ mang thai (khi người mẹ có Rh- sản xuất các kháng thể chống lại tế bào hồng cầu có Rh+ của thai nhi).
Theo Dịch vụ Chữ thập đỏ Australia, thuốc Anti-D và máu của ông Harrison đã cứu sống được hơn hai triệu trẻ sơ sinh.