Để bảo quản thực phẩm tươi sống hay đã qua chế biến, tủ lạnh là vật dụng cần thiết cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình đang lạm dụng tủ lạnh để bảo quản thức ăn, khi không để riêng ngăn tươi sống với ngăn đồ đã chế biến, hoặc để thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu. Những thói quen đó có thể gặp ở bất cứ gia đình nào và tiềm ẩn mối nguy hại cho sức khỏe mà chúng ta khó có thể lường trước được. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra một số những lưu ý khi sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm.
1. Lựa chọn thực phẩm nên để trong tủ lạnh:
Hầu hết các gia đình hiện nay đều cho toàn bộ những thực phẩm vào tủ lạnh, vì chúng ta thường nghĩ tủ lạnh có thể đảm bảo chất lượng thực phẩm được tươi lâu hơn. Nhưng điều đó hoàn toàn sai, vì có khá nhiều loại thực phẩm được xếp vào hàng không nên để trong tủ lạnh bao gồm, dầu, cà phê, cà chua, hành, khoai tây, chuối, mật ong, tỏi, các loại dưa, bơ, bánh mì, húng quế.
2. Điều chỉnh đúng nhiệt độ tủ lạnh:
Thông thường khi chúng ta mua tủ lạnh, nhiệt độ đều được nhân viên thiết lập mặc định. Tuy nhiên, có thể trong quá trình sử dụng bạn vô tình điều chỉnh lại nhiệt độ và từ đó dẫn đến việc để sai nhiệt độ.
Tùy theo từng ngăn để thực phẩm mà chúng ta sẽ điều chỉnh các mức độ nhiệt độ khác nhau. Theo các chuyên gia, nhiệt độ chuẩn để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trong tủ lạnh dưới 4,5 độ C ở ngăn thường và dưới -16 độ C ở ngăn đông. Nếu để nhiệt độ cao hơn mức này, các loại vi khuẩn sẽ rất dễ sinh sôi dẫn tới nhiều căn bệnh thậm chí là ung thư.
Để hiểu rõ hơn về nhiệt độ cho từng ngăn, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh bao nhiêu là hợp lý?
3. Chia ngăn thực phẩm chín và sống:
Đây là điều cần phải làm trước khi chúng ta phân loại thực phẩm và bảo quản trong tủ lạnh. Thực phẩm tươi sống khi mua ngoài chợ sẽ không được đảm bảo độ vệ sinh. Nếu bạn đã vội cho ngay vào tủ và để lẫn với những thực phẩm chín, hoặc tươi sống khác, vi khuẩn sẽ lây lan nhanh chóng.
Tốt nhất sau khi mua về, chúng ta cần phải rửa qua thực phẩm tươi sống, cho vào hộp hoăc túi sạch khác rồi bỏ vào tủ lạnh. Hoặc với rau, củ, quả, bạn có thể để ở ngoài vài phút rồi mới cho vào tủ lạnh.
4. Lên lịch vệ sinh tủ lạnh định kỳ:
Đã bao lâu bạn chưa dọn dẹp tủ lạnh trong gia đình? 1 tháng? Vài tháng? Hay vài năm?
Thói quen không vệ sinh tủ lạnh trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm là điều mà rất nhiều gia đình mắc phải. Tủ lạnh là nơi chúng ta bảo quản thực phẩm, nhưng cũng là nơi sinh sống của khá nhiều loại vi khuẩn, nếu như chúng ta không vệ sinh thường xuyên. Hãy lên kế hoạch cách 1 tháng dọn dẹp vệ sinh thật kỹ lưỡng để tống khứ khối lượng vi khuẩn có trong tủ.
Bạn đọc tham khảo thêm bài viết Vệ sinh tủ lạnh đúng cách như thế nào? để biết cách vệ sinh tủ lạnh.
5. Đậy nắp toàn bộ thực phẩm trong tủ lạnh:
Việc không đậy nắp thực phẩm qua chế biến và không cho vào túi với thực phẩm tươi sống là thói quen vô cùng nguy hiểm. Vi khuẩn sẽ nhanh chóng xâm nhập vào thức ăn, làm biến chất thực phẩm cho dù chúng ta có chế biến lại sau khi đem ra từ tủ lạnh. Bên cạnh đó, việc không đậy nắp thực phẩm cũng gây mùi hôi cho tủ lạnh. Hãy sử dụng nắp hoặc màng bọc thực phẩm để bảo quản thức ăn trong tủ được chất lượng hơn.
Trên đây là 5 chú ý khi chúng ta bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Mỗi thói quen hàng ngày của bạn có thể dẫn đến những tác hại khôn lường khi sử dụng tủ lạnh, như làm biến chất thức ăn, tạo thêm vi khuẩn hay tạo mùi hôi cho tủ lạnh. Hãy nhớ phân loại thực phẩm trước khi để trong tủ, đậy nắp thật kỹ, lên lịch dọn vệ sinh và không nên để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh.
Tham khảo thêm các bài sau đây:
Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn!