Trên thế giới có tồn tại những loài động vật có sức sống mãnh liệt đến mức dù bị đứt lìa đầu vẫn có thể... sống thêm một thời gian ngắn. Cùng tìm hiểu về một số loài động vật có cấu tạo cơ thể đặc biệt và khả năng kỳ lạ này nhé.
- Những cơn mưa động vật kì lạ và bí ẩn nhất trên thế giới
- 10 loài động vật có nọc độc mạnh nhất thế giới, nếu gặp bạn nên tránh xa
Gián
Đây là “nhà vô địch” sống lâu nhất sau khi đầu lìa khỏi cổ. Do máu của gián không luân chuyển nhanh nên có áp suất rất thấp. Điều này giúp chúng có rất nhiều thời gian để “phong tỏa” vết thương, hạn chế lượng máu bị mất.
Ngoài ra, loài gián có cấu tạo cơ thể rất đặc biệt, chúng có hệ thống các hạch thần kinh phân bố khắp cơ thể. Nên nếu không có não bộ trong đầu, hệ thống dự phòng này vẫn có thể cho phép chúng hoạt động và phản ứng với các tác động bên ngoài như thường. Loài gián chỉ “chịu chết” khi bị nhiễm trùng và đói khát.
Các nhà nghiên cứu còn chứng minh được rằng, cái đầu sau khi bị tách lìa ra khỏi thân của loài gián còn có thể sống “dai” hơn nếu được truyền dưỡng chất và để đông lạnh.
Gà
Chắc chắn nhiều người từng gặp trường hợp gà bị “cắt tiết” vẫn có khả năng chạy quanh sân nhưng gà bị đứt lìa đầu mà vẫn sống thì quả là kỳ tích.
Đó là câu chuyện xảy ra cách đây 70 năm, một con gà trống có biệt danh "Miracle Mike" ở Mỹ đã sống thêm 1 năm rưỡi sau khi bị chặt đầu. Nhờ người chủ dùng lọ nhỏ mắt để nhỏ từng giọt sữa, nước, thức ăn vào cổ họng và dùng xi lanh hút dịch ở khí quản hàng ngày mà chú gà vẫn kiên cường sống tiếp.
Mãi cho tới một đêm, con gà tiết ra quá nhiều dịch mà người chủ không thể tìm thấy xi lanh để hút nên nó đã phải bỏ mạng vì nghẹ thở.
Rắn
Sau khi bị đứt lìa khỏi cổ, đầu của con rắn vẫn có thể sống thêm tới khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa.
Nguyên nhân là do các thụ thể cảm biến nhiệt nằm trong các rãnh sâu nằm giữa mắt và mũi của rắn khiến nó bắt được bức xạ nhiệt từ những con mồi máu nóng. Nhờ sự kéo dài phản xạ thần kinh, các thụ thể đó vẫn còn hoạt động một lúc sau khi đầu bị tách lìa khỏi thân.
Khi động vật máu nóng xuất hiện ở một khoảng cách nhất định, các thụ thể này hoạt động kéo theo phản ứng tức thời của các cơ ở đầu rắn để thực hiện một cú đớp và tiêm nọc độc từ răng nanh. Lượng nọc độc của chiếc đầu đứt lìa vẫn đủ mạnh để giết chết nạn nhân.
Giun dẹp
Loài động vật này được coi như “bất tử” bởi chúng gần như không bị ảnh hưởng gì trước việc mất đầu.
Khi cơ thể một con giun dẹp bị đứt lìa, hai con giun mới sẽ được tạo ra. Một con giun sẽ mọc đầu mới từ phần đuôi và một con khác sẽ mọc đuôi từ dưới phần thân.
Bọ ngựa
Với bọ ngựa đực, việc giao phối thực sự là một “canh bạc” sinh tử. Bọ ngựa cái thường nhai đầu của bọ ngựa đực khi giao phối để cung cấp thêm dưỡng chất cho con của nó. Nhưng việc bị mất đầu không ảnh hưởng tới khả năng thụ tinh cho cá thể cái của bọ ngựa đực. Sau khi bơm xong tinh trùng, bọ ngựa đực bị con cái đạp xác xuống.
Bạch tuộc
Bạch tuộc là một loài động vật đặc biệt, 8 xúc tu của bạch tuộc không hoàn toàn phụ thuộc vào bộ não trung ương. Mỗi xúc tu của chúng đều có các tế bào thần kinh, điều này cho phép các xúc tu vẫn có các phản ứng trước những kích thích ngay cả sau khi bị đứt lìa với phần đầu não.
Ruồi giấm
Ruồi giấm vẫn có thể, bay, đậu, bò đi và thậm chí cả làm “chuyện ấy” như bình thường khi bị mất đầu.
Nguyên nhân là do cấu tạo cơ thể đặc biệt của chúng, ruồi giấm có một “bộ não phụ” ở ngực, bộ phận này sẽ thay thế bộ não chính giúp cơ thể hoạt động bình thường. Ngoài ra, các tế bào nhạy sáng khắp cơ thể của ruồi giấm vẫn hoạt động khi bị mất đầu giúp chúng phản ứng với ánh sáng như thường.
Ếch
Ếch dù bị chặt đứt đầu vẫn có thể hoạt động bình thường như bật nhảy, bơi dưới nước... Nguyên nhân là do hệ thần kinh của ếch không phụ thuộc hoàn toàn vào bộ não và phản xạ vô điều kiện mạnh mẽ của cơ thể khi bị kích thích, các xung điện được phát ra truyền đến cơ yêu cầu co cơ.
Kỳ nhông
Các loài kỳ nhông nước đặc biệt nổi tiếng về khả năng tái tạo. Chúng được coi là bất tử bởi có thể tái tạo vất kỳ bộ phận nào trên cơ thể từ các chi, đuôi, thậm chí là cả trái tim và bộ não.