Các nhà khoa học lần đầu tiên ghi hình được một con mực khổng lồ (colossal squid) đang sống trong môi trường tự nhiên – sự kiện diễn ra khoảng 100 năm sau khi loài này được phát hiện lần đầu tiên, minh chứng cho sự rộng lớn và bí ẩn khó tin của đại dương.
Con mực này là một cá thể non, nên kích thước chưa lớn như tên gọi "khổng lồ" của nó. Con vật hiện chỉ dài khoảng 11,8 inch (30 cm). Tuy nhiên khi đến tuổi trưởng thành, nó có thể đạt chiều dài 23 feet (7 mét) và nặng tới 1.100 pound (500 kg), trở thành loài động vật không xương sống nặng nhất hành tinh.
Đoạn video lịch sử này tình cờ được ghi lại bởi một đoàn thám hiểm đang thực hiện nhiệm vụ khám phá vùng biển Nam Đại Tây Dương kéo dài 35 ngày gần quần đảo South Sandwich. Con mực khổng lồ non được ghi hình ở độ sâu gần 2.000 feet (khoảng 610 mét). Tiến sĩ Michelle Taylor – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết ban đầu họ không chắc đây có phải mực khổng lồ hay không, nhưng vẫn quay phim vì nó "đẹp và khác thường". Đoạn phim sau đó đã được xác thực bởi một nhà sinh vật học khác.
Tiến sĩ Kat Bolstad, chuyên gia về mực, nhận xét: "Thật phấn khích khi lần đầu được xem cảnh quay trực tiếp một con mực khổng lồ non trong môi trường tự nhiên, và cũng thật thú vị khi nghĩ rằng chúng chẳng hề biết đến sự tồn tại của con người".
Phần lớn mực khổng lồ được tìm thấy trong tự nhiên đã chết, thường là tàn dư trong dạ dày cá voi. Những con trưởng thành hấp hối đôi khi được phát hiện gần mặt nước, nhưng đây là lần đầu tiên một cá thể sống được ghi hình trong môi trường tự nhiên. Chúng ta thậm chí vẫn chưa hiểu nhiều về vòng đời của chúng, ngoài thực tế rằng mực non trong suốt còn mực trưởng thành thì không. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh (Natural History Museum) cho biết rất khó ước tính quy mô quần thể toàn cầu của loài này.
Sự kiện này một lần nữa cho thấy cho đến nay, con người vẫn còn “mù mờ” về đại dương của chính mình. Chỉ 20% đáy biển được lập bản đồ đầy đủ. Đại dương thực sự là "biên giới cuối cùng" của các cuộc thám hiểm trên Trái Đất.