Nước được coi là một trong những nhân tố thiết yếu cấu thành nên sự sống, đồng thời cũng là hợp chất hóa học được con người nghiên cứu nhiều nhất trong vũ trụ. Khi nói đến việc khám phá các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta, hầu hết sự chú ý đều tập trung vào những hành tinh gần Trái đất nhất, nơi tàu vũ trụ của con người có thể ghé thăm hay theo dõi dễ dàng hơn. Với các hệ thống kính thiên văn cực mạnh như hiện nay, các nhà khoa học thường xuyên quan sát các hành tinh khí khổng lồ như Sao Mộc, Sao Thổ, và liên tục tìm thấy những điều mới mẻ.
Một trong những địa điểm hàng đầu mà các nhà khoa học quan tâm tìm kiếm sự sống trong hệ mặt trời của chúng ta là mặt trăng băng giá Enceladus của sao Thổ. Enceladus được cho là có chứa một đại dương nước lỏng bên dưới lớp vỏ băng giá dày có khả năng hỗ trợ sự sống.
Sự quan tâm của giới nghiên cứu thiên văn ngày càng tăng lên khi sứ mệnh Cassini nghiên cứu Enceladus trong quá khứ đã từng gửi về Trái đất hình ảnh của những đám nước phun ra từ bề mặt hành tinh này. Nhưng như vậy là chưa đủ, các nhà khoa học cần đến một hệ thống tối tân hơn để quan sát Enceladus ở điều kiện tốt nhất, và James Webb là cái tên được lựa chọn.
Từ cuối thập niên 1990, NASA đã phối hợp cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu để phát triển James Webb, với kinh phí khoảng 10 tỷ USD. James Webb là kính viễn vọng mạnh mẽ và hiện đại nhất mà con người từng tạo ra, và được kỳ vọng sẽ cung cấp những hình ảnh với độ chi tiết chưa từng có về vũ trụ, hỗ trợ các nhà khoa học khám phá, tìm hiểu về vũ trụ cũng như sự sống ngoài Trái Đất.
Thông qua James Webb, các nhà khoa học đã lần đầu tiên phát hiện ra những luồng khí đến từ cực nam của Enceladus. Bất chấp kích thước nhỏ bé của Enceladus (đường kính chỉ 300 dặm), chùm khói mà James Webb quan sát được kéo dài tới hơn 6.000 dặm.
“Khi nhìn vào dữ liệu, ban đầu tôi nghĩ rằng mình đã sai”, nhà khoa học NASA Geronimo Villanueva cho biết. “Tôi đã sốc khi phát hiện ra một cột nước có kích thước gấp 20 lần kích thước của chính Enceladus, cũng với nhiều chùm nước khác mở rộng ra ngoài khu vực giải phóng của chúng ở cực nam”. Ngoài ra, những chùm nước này cũng phun lên với tốc độ khá nhanh với tốc độ gần 300 lít mỗi giây.
Lượng nước này đang ảnh hưởng đến môi trường xung quanh Sao Thổ, vì Enceladus đang để lại vệt nước khi nó quay quanh ngôi sao chủ của mình. “Quỹ đạo của Enceladus quanh Sao Thổ tương đối nhanh, chỉ 33 giờ. Khi nó quay quanh Sao Thổ, các tia nước để lại một vầng hào quang có thể quan sát được. “Trong các quan sát của James Webb, không chỉ có những chùm nước khổng lồ, mà còn có nước ở khắp mọi nơi”.
Dường như có rất nhiều nơi trong hệ mặt trời có thể chứa các đại dương nước, ngay cả khi chúng nằm ngoài vùng mà con người có thể sinh sống được.