Ngôi sao nhân tạo sáng nhất trời đêm sắp được đưa vào vũ trụ trong tháng 7 này

Vệ tinh nghiên cứu vũ trụ Mayak - Ngọn hải đăng của Nga sẽ thay thế sao Thiên Lang trở thành vật thể phát sáng rực rỡ nhất trên bầu trời đêm khi được phóng vào vũ trụ trong tháng 7 này.

Đồ họa vệ tinh Mayak khi được phóng lên trên quỹ đạo Trái Đất
Đồ họa vệ tinh Mayak khi được phóng lên trên quỹ đạo Trái Đất. (Ảnh: Mayak.)

Vào ngày 14/7 tới, vệ tinh nghiên cứu vũ trụ Mayak của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Moscow, Nga sẽ được tên lửa đẩy Soyuz-2 phóng lên quỹ đạo Trái Đất.

Nhờ hệ thống phản chiếu ánh sáng Mặt Trời được mở ra trên quỹ đạo, vệ tinh Mayak sẽ có độ sáng biểu kiến -10. Khi đó, nó sẽ trở thành "vì sao nhân tạo" sáng nhất trên bầu trời Trái Đất khiến ánh sáng của những vì sao quen thuộc có thể bị lu mờ.

Độ sáng biểu kiến hay cấp sao biểu kiến là thang đo độ sáng các thiên thể. Độ sáng biểu kiến càng thấp, thiên thể càng sáng. Mặt Trời có độ sáng biểu kiến -27, Mặt Trăng tròn là -13. Hiện nay thiên thể nhân tạo sáng nhất là Trạm Vũ trụ Quốc tế với độ sáng biểu kiến -6, sáng hơn sao Kim với độ sáng biểu kiến khoảng -5.

Với độ sáng biểu kiến là -10, Mayak sáng hơn bất cứ vì sao nào trên bầu trời Trái Đất, nó chỉ thua kém Mặt Trăng tròn một chút mà thôi. Các nhà nghiên cứu có thể dùng độ sáng của Mayak để nghiên cứu cách tính tốt nhất độ sáng biểu kiến của các vệ tinh nhỏ.


Ánh sáng trên khí quyển Trái Đất ghi nhận từ vệ tinh. (Video: U2Seek Truth.)

Mayak, có kích thước rất nhỏ, chỉ 340,5x100x100 mm, nặng khoảng 3,6 kg, chứa nguồn điện, hệ thống điều khiển và quan trọng nhất là các tấm phản xạ ánh sáng Mặt Trời. Khi tiến vào quỹ đạo cách Trái Đất 600km, các tấm này có thể bung ra trong quỹ đạo tạo cánh buồm hình tam giác có diện tích 16m2 và phản chiếu ánh sáng.

Khi vệ tinh Mayak thực hiện hết hành trình, thiết bị hãm phanh khí động lực học sẽ được kích hoạt, điều này sẽ giúp các nhà khoa học thử nghiệm hệ thống dừng chuyển động mới để loại bỏ vệ tinh.

Thứ Năm, 06/07/2017 08:54
52 👨 789
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ