Hành tinh này nóng đến nỗi có thể tự xé nhỏ các phân tử hydro trong khí quyển của chính nó

Vũ trụ luôn ẩn chứa những điều thú vị vượt ra ngoài trí tưởng tượng của con người. Mới đây, các nhà khoa học NASA đã phát hiện ra một hành tinh có nhiệt độ siêu nóng, đến nỗi có thể xé tan các phân tử cấu tạo nên bầu khí quyển của chính nó. Hành tinh kỳ bí này có tên gọi KELT-9b.

KELT-9b là một ngoại hành tinh khổng lồ, sở hữu khối lượng gấp 3 lần Sao Mộc (Sao Mộc là hành tinh nặng nhất Hệ Mặt Trời với khối lượng bằng 2,5 lần tổng khối lượng của tất cả các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời cộng lại). Nó cách Trái Đất khoảng 650 năm ánh sáng và được phát hiện thông qua Kính viễn vọng Kilodegree. Tuy nhiên điểm đặc biệt của hành tinh này nằm ở chỗ nó có nhiệt độ bề mặt cao đến mức gần như không thể tin được: 7.800 độ F (4.300 độ C) - khiến nó trở thành hành tinh nóng nhất từng được phát hiện tính đến thời điểm hiện tại. Chính mức nhiệt độ “chết người” này đã dẫn một hiện tượng vô cùng hiếm gặp: Sự phân hủy các phân tử hydro trong khí quyển của chính hành tinh.

Nhiệt độ bề mặt cực cao của KELT-9b bắt nguồn từ việc hành tinh này quay quanh một ngôi sao mẹ cũng có nhiệt lượng không tưởng: Gần 10.000 độ C, gấp đôi nhiệt lượng tỏa ra từ bề mặt Mặt Trời của chúng ta. Đồng thời khoảng cách từ KELT-9b đến ngôi sao mẹ KELT-9 của nó chỉ là dưới 57 triệu km, gần hơn khoảng cách của sao Thủy tới Mặt Trời.

KELT-9b quay quanh sao chủ

Hiện tượng phân hủy hydro trong khí quyển của KELT-9b xảy ra ở bề mặt đối diện với ngôi sao mẹ KELT-9, được gọi là ban ngày. Lúc này, nhiệt độ cao khiến các phân tử hydro bị xé toạc và chảy qua mặt đối diện của hành tinh, tạo thành vệt sáng kỳ dị như phần đuôi sao chổi - bầu khí quyển của KELT-9b đang thoát ra với tỷ lệ tổn thất khối lượng cao.

Để tìm kiếm các ngoại hành tinh khác có thể xảy ra hiện tượng tương tự, các nhà khoa học sẽ cần sử dụng các công cụ có độ chính xác cao. Những tổ hợp kính viễn vọng không gian hiện đại như Kilodegree hay Spitzer có thể thu nhận mọi biến đổi nhiệt tinh tế do các ngoại hành tinh tỏa ra bằng cách nhìn vào bước sóng hồng ngoại.

Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vậy, sự sống không thể tồn tại trên hành tinh này bởi nhiệt độ cao nhất để sự sống có thể phát triển trên Trái Đất chỉ là 122 độ C. Tuy nhiên việc nghiên cứu về những hành tinh như KELT-9b có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hệ thống hành tinh hình thành như thế nào trong điều kiện cực hạn.

  • Ngoại hành tinh (Exoplanet) là các hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời.
  • 1 năm ánh sáng = 9.460.528.400.000km (9,5 ngàn tỷ km), tức là 5.878.499.810.000 dặm.
  • Nhiệt độ bề mặt Mặt Trời xấp xỉ 5.505 °C (5.778 K).
  • Khoảng cách của sao Thủy tới Mặt Trời (là 57,91 triệu km)
Chủ Nhật, 26/01/2020 21:05
4,97 👨 1.199
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ