Cận cảnh loài cá kỳ lạ thích ‘phi’ lên cao để đẻ trứng... trên lá cây

Copella arnoldi là loài cá duy nhất trên thế giới được biết đến với đặc tính đẻ trứng trên cạn. Loài cá xinh đẹp và kỳ lạ này sống tại vùng đảo Guyana, Suriname, Guiana thuộc Pháp và Brazil.

Loài cá Copella arnoldi có kích thước khá nhỏ, con cái chỉ dài khoảng 5cm và con đực chỉ khoảng 7cm. Cá Copella arnoldi được rất nhiều người nuôi cá cảnh săn lùng vì đặc tính kỳ lạ của chúng.

Cá đẻ trứng trên cây

Trong tự nhiên, cá Copella arnoldi đẻ trứng trên những chiếc lá rủ trên mặt nước, còn trong điều kiện nuôi nhốt trong bể chúng sẽ đẻ trứng trên thành bể cá.

Đến mùa sinh sản, cá đực và cái thực hiện điệu nhảy uyên ương để bắt cặp với nhau. Sau đó, chúng sẽ phối hợp với nhau để cùng nhảy lên khỏi mặt nước và bám vào lá cây bằng vây trong thời gian lên đến mười giây.

Mỗi lần nhảy lên con cái đẻ khoảng 6-10 quả trứng lên lá cây. Còn con đực bên cạnh có nhiệm vụ thụ tinh ngay cho số trứng này trước khi chúng rơi xuống nước. Chúng sẽ lặp lại điệu nhảy này nhiều lần và thậm chí tổng số trứng có thể lên tới hàng trăm quả.

Khi quá trình đẻ trứng kết thúc, con cái sẽ bỏ đi. Còn con đực sẽ có nhiệm vụ canh giữ và duy trì độ ẩm cho trứng bằng cách dùng đuôi vẩy nước lên trứng liên tục cứ sau vài phút. Tốc độ bắn nước lên trứng của cá đực lên đến khoảng 38 lần mỗi giờ.

Quá trình này lặp lại liên tục, và trứng sẽ nở sau khoảng hai đến ba ngày, sau đó cá bột sẽ rơi xuống nước. Nếu con cái đẻ trứng ở nhiều lá khác nhau thì con đực phải nhớ vị trí mà nó đã được giao phó để vẩy nước lên.

Thứ Năm, 14/01/2021 08:07
4,52 👨 1.756
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Thế giới động vật