Các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam đã tình cờ bắt gặp một con rắn lạ khi đang nghiên cứu về đa dạng sinh học trong rừng và núi ở tỉnh Hà Giang, Việt Nam, giáp Trung Quốc vào năm 2019.
Con rắn có màu sắc óng ánh. Nó có vảy nhỏ, có vân, có hoa văn kỳ lạ, và có thể chuyển thành màu xanh lam và xanh lục dưới ánh sáng.
Aryeh Miller, nghiên cứu Viện Smithsonian, thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ cho biết, con rắn trông rất lạ khiến chúng tôi không biết nó là loài gì.
Điều đặc biệt là loài rắn kỳ lạ này không có cơ quan thụ cảm ánh sáng trong mắt. Loài này chuyên đào hang bên dưới lá cây hoặc dưới đất vì vậy việc phát hiện ra chúng là điều rất khó khăn.
Cuối cùng, các nhà khoa học cũng nhận ra sinh vật kỳ lạ này là một loài thuộc giống Achalinus quý hiếm. Và do vảy của chúng trải rộng ra thay vì chồng lên nhau như hầu hết các loài rắn nên chúng còn được gọi là "rắn vảy kỳ lạ". Cho đến nay, trên thế giới mới chỉ có 13 loài được biết đến trong chi này, trong số đó có 6 loài là từ Việt Nam.
Loài rắn mới được đặt tên là Achalinus zugorum để vinh danh người quản lý bò sát và lưỡng cư đã nghỉ hưu của Viện Smithsonian.
Các nhà nghiên cứu đã mang con rắn về Viện Smithsonian để giải trình tự DNA và sẽ sớm đưa nó trở về Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu về loài rắn mới Achalinus zugorum đã được các nhà nghiên cứu từ Viện Smithsonian và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố trên tạp chí Copeia hôm 7-12.