Nếu có 21 phút để nói thì 2 triệu năm có vẻ là một khoảng thời gian vô cùng dài. Nhưng so với quá trình tiến hóa, 2 triệu năm chẳng là gì cả. Vậy mà trong 2 triệu năm, bộ não loài người đã tăng gấp 3 lần khối lượng, từ mức 567 gram như tổ tiên chúng ta, người Habilis trở thành tảng thịt nặng 1.360 gram giữa hai tai mà mỗi người trên Trái Đất này đều có.
Khi kích thước não tăng gấp 3 lần thì nó không chỉ lớn lên về mặt khối lượng mà còn có những cấu trúc mới xuất hiện. Hai trong số các bộ phận mới đó chính là thùy trán và vỏ não trước trán. Vậy vỏ não trước trán có thể làm gì cho chúng ta để có thể giải thích cho cả một sự đại tu kiến trúc của hộp sọ loài người chỉ trong một "cái chớp mắt" của lịch sử tiến hóa?
Vỏ não trước trán có thể làm được rất nhiều thứ nhưng một trong những điều quan trọng nhất đó là nó có khả năng mô phỏng những trải nghiệm. Chẳng hạn, phi công tập luyện nhờ hình dung trong đầu những chuyến bay để không mắc sai lầm khi bay thật. Con người có khả năng thích nghi tuyệt diệu là chúng ta có thể thực sự trải nghiệm mọi thứ trong đầu trước qua trải qua chúng trong thực tế. Đây là điều mà không tổ tiên nào của chúng ta có thể làm được và không một loài động vật nào khác có thể làm được. Đó là một sự thích nghi tuyệt vời. Đó là ngón tay cái đối diện với bàn tay, dáng đứng thẳng và phát minh ra ngôn ngữ là một trong những thứ vô cùng tuyệt vời khiến loài người không còn leo trèo qua các cành cây và bắt đầu tự tin bước vào trung tâm mua sắm.
Bây giờ, hãy thử tưởng tượng ngôi nhà của bạn bị phá hủy trong một trận động đất hoặc bạn trải qua một chấn thương nghiêm trọng trong một vụ tai nạn và chân của bạn bị liệt. Khi được hỏi là hãy mô tả tác động của sự kiện này thì đa phần mọi người đều nói về tính chất khủng khiếp của nó. Nhiều người còn thốt lên rằng họ thà chết còn hơn là phải chịu đựng chúng.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra rằng sau 6 tháng thì mức độ hạnh phúc của hai người trên (người có nhà bị phá trong động đất và người bị liệt do tai nạn) đều như nhau.
The Impact Bias – thành kiến tác động
"Phòng thí nghiệm của tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu và rút ra được một khái niệm gọi là The Impact Bias (thành kiến tác động). Thực tế, điều này đã được các nhà kinh tế học và tâm lý học trước đó tìm hiểu. "Thành kiến tác động" là thứ có xu hướng làm chức năng mô phỏng kém hoạt động đi, làm cho bộ phận chịu trách nhiệm mô phỏng khiến bạn tưởng rằng những kết quả khác nhau trở nên khác biệt nhiều hơn so với thực tế" - Dan Gilbert - tác giả của khám phá thú vị về hiện tượng The Impact Bias.
Cũng theo Gilbert, "Từ nghiên cứu thực địa cho tới phòng thí nghiệm, chúng tôi đều phát hiện ra rằng thắng hay thua trong một cuộc bầu cử, có hay mất người yêu, được hay không được thăng chức, đỗ hay trượt trong một kỳ thi đại học, điểm cao hay điểm thấp trong bài kiểm tra... đều có tác động, cường độ và đặc biệt là thời gian diễn ra ít hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ". Hóa ra, những sự cố trong đời không có tác động gì nhiều đến hạnh phúc của bạn cả.
Hạnh phúc có thể "được tổng hợp lại"
Năm 1642, ngài Thomas Brown đã từng viết rằng "Tôi là người hạnh phúc nhất còn sống. Tôi có trong mình thứ có thể biến nghèo thành giàu, nghịch cảnh thành thành công. Tôi bất khả xâm phạm hơn cả Asin, định mệnh cũng không có cách nào khiến tôi gục ngã". Vậy điều gì đã khiến chúng ta có được quyền năng khủng khiếp đến như vậy?
Hóa ra đó chính là "hệ miễn dịch tâm lý" (psychological immune system) – thứ mà chúng ta đều có thể nghĩ đến. Đây là một hệ thống của quá trình nhận thức, chủ yếu là nhận thức một cách vô thức đã giúp loài người thay đổi thế giới quan, để chúng ta cảm thấy tốt hơn về thế giới mà trong đó, mỗi người có thể tìm thấy chính mình.
Chúng ta luôn nghĩ rằng hạnh phúc là thứ gì đó để đi tìm. Nhưng thực tế, con người tích lũy hạnh phúc.
Ví dụ 1: Moreese Bickham trải qua 37 năm trong một nhà tù ở tiểu bang Louisiana bởi một tội mà ông không hề gây ra. Ở tuổi 78, ông được minh oan nhờ bằng chứng DNA và sau khi được thả, ông thốt lên rằng: "Tôi không hối tiếc lấy một phút. Đó là một trải nghiệm vinh quang".
"Bí mật của hạnh phúc" ở đây là: Tích lũy sự giàu có, quyền lực và uy tín, sau đó làm mất nó.
Ví dụ 2: Jim Wright – một người từng là chủ tịch Hạ viện – đã quyết định từ chức khi một phi vụ khả nghi về sách mà ông đã làm bị phát hiện. Ông mất tất cả mọi thứ sau ngần ấy năm cố công gây dựng. Thế nhưng, Jim Wright vẫn nói: "Tôi khá hơn rất nhiều về thể chất, tài chính, tình cảm, tinh thần và hầu hết mọi thứ khác".
"Bí mật của hạnh phúc" ở đây là: Dành cuộc đời ở trong tù càng lâu càng tốt.
Ví dụ 3: Pete Best – tay trống đầu tiên của ban nhạc The Beatles nhưng sau đó đã bị "đá" ra khỏi nhóm và bị thay thế bởi một người khác. Năm 1994, trong một buổi phỏng vấn, khi đó, ông - vẫn là một tay trống và là nhạc sĩ phòng thu – đã chia sẻ rằng: "Tôi hạnh phúc hơn so với việc nếu tôi ở lại cùng ban nhạc The Beatles".
"Bí mật của hạnh phúc" ở đây là: Không bao giờ tham gia ban nhạc The Beatles.
"Hạnh phúc tự nhiên" và "hạnh phúc tổng hợp"
"Hạnh phúc tự nhiên là những gì chúng ta nhận được khi chúng ta đạt được những gì chúng ta muốn", còn "hạnh phúc tổng hợp là cái chúng ta tạo ra khi chúng ta không nhận được những gì chúng ta muốn". Điều vẫn tồn tại trong xã hội là rất nhiều người không hề trân trọng "hạnh phúc tổng hợp".
Bạn không hề biết rằng "hạnh phúc tổng hợp" cũng thiết thực và lâu dài như thứ hạnh phúc bạn có được khi bạn nhận được chính xác những gì bạn đã nhắm tới.
Tất cả chúng ta đều sở hữu hệ thống miễn dịch tâm lý, khả năng để tổng hợp hạnh phúc nhưng không phải ai cũng đồng đều, một số người thực hiện tốt hơn những người khác và còn tùy thuộc vào hoàn cảnh. Hóa ra – khả năng đưa ra quyết định và thay đổi quyết định – là BẠN của hạnh phúc tự nhiên, bởi vì nó cho phép bạn chọn giữa tất cả những tương lai xán lạn và tìm thấy cái bạn thích nhất. Tuy nhiên, tự do lựa chọn – để thay đổi và đưa ra quyết định – là KẺ THÙ của hạnh phúc tổng hợp.
Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao tác động của những sự kiện lớn đối với cuộc đời mình. Thế nhưng, cho dù đó chúng có tốt đẹp hay tiêu cực đến mức nào thì quả thật, chúng cũng không có ảnh hưởng tới mức độ hạnh phúc về lâu dài của chúng ta nhiều như chúng ta vẫn nghĩ.
Bài học rút ra từ "The Impact Bias"
Có hai thứ mà chúng ta có thể học được từ "thành kiến tác động".
Thứ nhất, chúng ta có xu hướng tập trung vào những thứ sẽ thay đổi và quên đi những thứ không thể thay đổi. Khi nghĩ về việc thắng xổ sổ, chúng ta tưởng tượng về sự kiện đó và tất cả số tiền mà chúng ta sẽ giành được. Tuy nhiên, chúng ta lại quên sự tồn tại của con số 99% còn lại: 1% người giàu nắm giữ 99% tài sản của thế giới, thiên tài gồm 1% tài năng và 99% khổ luyện. Đa phần, quy luật này đều giống nhau và trong trường hợp này, chúng ta có đến 99% khả năng sẽ không trúng xổ số.
Chúng ta sẽ cư xử một cách cộc cằn nếu không được ngủ đủ. Chúng ta vẫn phải chờ hàng tiếng đồng hồ trong tình trạng giao thông tắc nghẽn. Chúng ta vẫn phải đến phòng gym nếu muốn có được vóc dáng đẹp. Chúng ta vẫn phải đóng thuế mỗi năm bất kể chúng ta có thêm bao nhiêu khoản phải chi nữa.
Chúng ta vẫn sẽ đau đớn khi mất đi người chúng ta yêu quý. Chúng ta vẫn cảm thấy tuyệt vời khi được ngồi thư giãn trước hiên nhà và ngắm hoàng hôn. Chúng ta tưởng tượng về sự thay đổi nhưng chúng qua quên mất rằng có những thứ chẳng hề thay đổi.
Thứ hai, thử thách là trở ngại để đạt được điều gì đó cụ thể, chứ không phải là trở ngại của bạn – một con người. Triết gia người Hy Lạp Epictetus đã từng nói: "Going lame is an impediment to your leg, but not to your will" (Tạm dịch: Què quặt là trở ngại với đôi chân của bạn chứ không phải với ý chí của bạn). Chúng ta đánh giá quá cao những sự kiện tiêu cực có tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của chúng ta bằng cùng một lý do với việc chúng ta quá đề cao giá trị của những tình huống tích cực, tốt đẹp. Chúng ta tập trung vào thứ xảy ra (mất đi một chân) nhưng quên đi tất cả những trải nghiệm khác trong cuộc sống (mà có thể đạt được bằng ý chí).
Hãy viết những tấm thiệp cảm ơn tới những người bạn, xem chương trình yêu thích vào cuối tuần, đọc một cuốn sách hay, ăn một bữa ăn thật ngon.... cho dù bị liệt hay đôi chân bạn lành lặn thì vẫn còn có vô số những điều tuyệt vời mà bạn có thể tận hưởng trong cuộc sống này.
Những sự kiện tiêu cực có thể tạo ra những thử thách cho từng nhiệm vụ cụ thể nhưng trải nghiệm của con người luôn thay đổi và rất đa dạng.
Về tác giả: Bài viết được dịch lại từ chia sẻ của tác giả James Clear – người chuyên nghiên cứu về khoa học hành vi và cách làm thế nào để tạo dựng các thói quen tốt.