Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA lại tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của mình trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn học, khi mang về cho nhân loại bức ảnh có một không hai cho thấy hàng triệu ngô sao cũng tỏa sáng lung linh, đẹp đến mức “choáng ngợp”.
Mỗi tuần, các nhà nghiên cứu vận hành Hubble lại chọn lọc và chia sẻ một hình ảnh được cho là ấn tượng nhất mà kính viễn vọng không gian 30 tuổi thu thập được. Điểm nhấn của tuần này cho thấy một cụm sao cầu chói lọi có tên là NCG 6540, đáp ứng đầy đủ mong muốn của bạn về một bức ảnh không gian tuyệt đẹp.
Một cụm sao cầu (quần tinh cầu hoặc đám sao cầu) về cơ bản là một nhóm gồm hàng chục nghìn hoặc thậm chí hàng triệu ngôi sao, được liên kết rất chặt bởi lực hấp dẫn và đây cũng chính là nhân tố khiến chúng có dạng hình cầu. Cụm sao cầu là một dạng của các cụm sao, với mật độ các sao tương đối cao khi hướng dần về tâm. Các cụm sao cầu thường được quan sát thấy trong vầng thiên hà.
Hình ảnh trên được chụp bằng hai công cụ của Hubble: Wide Field Camera 3 và Advanced Camera for Surveys. Cụm sao cầu NCG 6540 này nằm cách chúng ta khoảng 17.000 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Nhân Mã. Nó được quan sát lần đầu tiên vào năm 1784 bởi nhà thiên văn học người Anh William Herschel. NCG 6540 ban đầu được phân loại là "tinh vân mờ nhạt", nhưng bản chất thực sự của nó là một cụm sao cầu. Điều này chỉ được chứng minh rõ sau quan sát của nhà thiên văn Celtech Stanislav George Djorgovski vào năm 1986.
Việc nghiên cứu những cụm sao khổng lồ dạng này có thể giúp các nhà thiên văn học tìm hiểu thêm về sự tiến hóa của các ngôi sao cũng như toàn bộ thiên hà chứa chúng. Trên thực tế, hình ảnh trên được Hubble thu thập như một phần của dự án nghiên cứu về các cụm sao trong Dải Ngân hà.
“Hubble đã quan sát tâm của NGC 6540 để giúp các nhà thiên văn đo tuổi, hình dạng và cấu trúc của các cụm tinh cầu hướng về trung tâm của Dải Ngân hà. Khí và bụi bao phủ trung tâm thiên hà của chúng ta sẽ chặn một lượng ánh sáng từ các cụm sao này, cũng như thay đổi một cách tinh vi màu sắc của chúng… Các cụm hình cầu chứa đựng những hiểu biết sâu sắc về lịch sử hình thành của Dải Ngân hà. Và vì vậy, việc nghiên cứu chúng có thể giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn thiên hà của chúng ta đã phát triển như thế nào”.