Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA vừa tiếp tục chứng minh tầm quan trọng của mình trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn học, khi mang về cho nhân loại bức ảnh tuyệt vời, cho thấy sự hùng vĩ trong khoảnh khắc hai thiên hà hợp nhất.
Trên thực tế, ở ngoài không gian vũ trụ sâu thẳm, sự va chạm giữa các vật thể khổng lồ có thể xảy ra ở quy mô gần như vượt xa sự tưởng tượng của chúng ta. Không chỉ thiên thạch, hành tinh mà thậm chí các thiên hà có thể cũng có thể va chạm với nhau.
Đây là loại hình tương tác “bạo lực” nhất của thiên hà. Khi đó, chúng sẽ hợp nhất thành một vật thể và tạo ra một cơn bão hình thành sao với quy mô khổng lồ. Khi các đám mây bụi và mảnh vụn từ mỗi thiên hà bị xô vào nhau, nó sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự ra đời của các ngôi sao mới, đồng thời tạo nên một trong những kỳ quan hùng vĩ nhất của vũ trụ. Ngoài ra, sự tương tác hấp dẫn giữa các thiên hà và ma sát giữa khí - bụi có ảnh hưởng lớn đến các thiên hà liên quan.
Một trong những khoảnh khắc sáp nhập thiên hà như vậy đã được Kính viễn vọng Không gian Hubble chụp lại. Đó chính là sự kiện hợp nhất thiên hà CGCG 396-2, nằm cách Trái đất 520 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Orion. Hai thiên hà đã trở nên giống nhau đến mức chúng được coi là một vật thể, thuộc nhóm khác thường được gọi là sự hợp nhất thiên hà nhiều nhánh.
Sự kiện hợp nhất này ban đầu được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc dự án Galaxy Zoo. Nhiệm vụ chính của dự án này là phân tích dữ liệu của Hubble và sau đó phân loại các thiên hà khác nhau có thể được nhìn thấy trong hình ảnh, từ đó tạo ra một danh mục các loại thiên hà chi tiết, cụ thể. Kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 2007, đã có hơn 40 triệu mô hình phân loại thiên hà được công nhận.
Trong lịch sử nghiên cứu thiên văn học của nhân loại, một trong những vụ sáp nhập thiên hà lớn nhất từng được quan sát bao gồm 4 thiên hà hình elip trong cụm CL0958 + 4702. Nó có thể tạo thành một trong những thiên hà lớn nhất trong Vũ trụ.