Đều đặn hàng tuần, kính viễn vọng không gian Hubble lại gửi về Trái đất những bức ảnh chưa từng có về mọi ngóc ngách của vũ trụ bao la.
Hình ảnh nổi bật của tuần này cho thấy một cấu trúc đặc biệt được gọi là cụm sao cầu (quần tinh cầu hoặc đám sao cầu). Đây là một tập hợp khổng lồ của hàng chục nghìn hoặc thậm chí hàng triệu ngôi sao, được liên kết chặt chẽ bởi lực hấp dẫn và đan xen dày đặc với nhau. Cũng chính sự liên kết chặt chẽ bởi lực hấp dẫn khiến các cụm sao này có dạng hình cầu và mật độ các sao tương đối cao khi hướng dẫn về tâm. Cụm sao cầu nói chung là tổ hợp của hàng trăm nghìn sao già với độ kim loại thấp.
Cụm sao cầu đặc biệt trong hình có tên gọi NGC 6638 và nằm trong chòm sao Nhân Mã. Nó được chụp bằng hai công cụ của Hubble, bao gồm Wide Field Camera 3 và Advanced Camera for Surveys, hoạt động chủ yếu ở bước sóng ánh sáng khả kiến. Trong quá khứ, khi những hệ thống kính viễn vọng không gian hiện đại như Hubble hay mới đây là James Webb vẫn chưa được phóng lên không gian, việc nghiên cứu những vật thể dạng như cụm sao cầu sao cầu là cực kỳ khó, chứ chưa nói đến có thể chiêm ngưỡng những hình ảnh chi tiết đến vậy. Vì để có thể nhìn thấy mỗi ngôi sao khác biệt với phần còn lại đòi hỏi hình ảnh có độ phân giải rất cao và ít bị nhiễu.
Có thể nói Hubble đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc nghiên cứu các cụm sao xa xôi, vì hầu như không thể phân biệt rõ ràng các ngôi sao trong các cụm sao bằng kính thiên văn trên mặt đất. Sự làm mờ do bầu khí quyển của Trái đất gây ra khiến chúng ta không thể phân biệt chính xác ngôi sao này với ngôi sao khác. Nhưng từ vị trí của Hubble trong quỹ đạo thấp của Trái đất, bầu khí quyển không còn là vấn đề nữa. Kết quả là Hubble đã được sử dụng rất thành công trong việc nghiên cứu cách thức các cụm sao hình cầu được tạo thành, cũng như quy trình phát triển của chúng và vai trò của lực hấp dẫn trong các hệ thống dày đặc này.