Sóng âm không truyền được trong chân không nên vũ trụ không thể có âm thanh. Tuy nhiên, khoa học có thể giúp chúng ta "nghe" vũ trụ bằng nhiều cách.
Mới đây, tài khoản NASA Exoplanets, chuyên đăng tải thông tin khoa học về vũ trụ ngoài Hệ Mặt Trời của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đã đăng bài giải thích cách các nhà khoa học NASA "nghe" được âm thanh của hố đen.
Các đây 20 năm, Đài quan sát tia X Chandra của NASA đã thu được các sóng âm của một hố đen vũ trụ nằm ở trung tâm cụm thiên hà Perseus cách trái đất 250 triệu năm ánh sáng dưới dạng dữ liệu thiên văn. Chúng là sóng áp suất (sóng âm) trải dài 30.000 năm ánh sáng và bao phủ cụm thiên hà Perseus rộng 11 triệu năm ánh sáng, và cũng chính là môi trường cho sóng âm truyền qua.
Các sóng âm phát ra từ lỗ đen quái vật này nằm cách 57-58 quãng tám so với nốt đô giữa (C4), thấp hơn nhiều so với giới hạn thính giác của con người.
Mới đây, nhà khoa học Kimberly Arcand của NASA đã chuyển dữ liệu thiên văn thu được này thành dạng âm thanh mà con người có thể nghe thấy bằng cách nâng tông lên 57-58 quãng tám, tăng tần số lên 4 tỷ lần so với ban đầu. Quá trình này được gọi là "âm thanh hóa" dữ liệu từ hố đen.
Dưới đây là video "âm thanh" dữ liệu sóng áp suất trong tia X phát ra từ lỗ đen khổng lồ, thuộc cụm thiên hà trong chòm sao Perseus sau khi được nâng tông.
Ngoài ra, bằng cách “âm thanh hóa” dữ liệu thu được Arcand còn thu lại âm thanh của nhiều vật thể khác trong vũ trụ như đám mây liên sao hay ngôi sao… Chúng đều có âm thanh khác nhau.