Đặc tính chưa từng được biết đến về loài sư tử vừa được phát hiện bởi Trí tuệ nhân tạo

Thông qua sự giúp sức từ một thuật toán máy học (machine learning - công nghệ thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo), các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Oxford (Anh Quốc) vừa phát hiện ra một đặc tính chưa từng được biết đến về loài sư tử, đó là mỗi cá thể đều sở hữu một tiếng gầm đặc trưng, có thể nhận dạng và sử dụng làm công cụ theo dõi điển hình, góp phần quan trọng trong các hoạt động bảo tồn sư tử ngoài tự nhiên.

Đây là một đặc tính chưa từng được ghi nhận trong bất cứ nghiên cứu chuyên sâu nào liên quan đến loài sư tử trước đây. Một số khám phá trong quá khứ đã từng chỉ ra rằng sư tử sử dụng tiếng gầm giao tiếp với các thành viên khác trong đàn, thể hiện cảm xúc của bản thân, hay để xua đuổi kẻ thù. Nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ tài liệu nào đề cập đến sự khác biệt cũng như nét đặc trưng trong tiếng gầm của từng con sư tử.

Đề tìm ra sự điểm đặc biệt trong tiếng gầm hay cách thức giao tiếp của sư tử, các nhà khoa học Oxford đã dành nhiều tháng trời để tạo ra một thiết bị gọi là "biologger" (máy đo sinh học), được thiết kế để gắn vào vòng cổ định vị GPS của sư tử nhằm mục đích ghi lại mọi dữ liệu về âm thanh cũng như chuyển động mà con vật tạo ra.

Tiếp theo, nhóm sử dụng dữ liệu thu được từ máy đo sinh học để đào tạo thuật toán nhận dạng mẫu âm thanh dựa trên AI, với mục đích phân tích kỹ lưỡng bản ghi âm, lọc ra những sự khác biệt về biến độ, âm sắc, cũng như các yếu tố riêng biệt khác, và cuối cùng chỉ ra nét đặc trưng trong tiếng gầm của từng con sư tử. Hệ thống AI này được phát triển bởi các nhà nghiên cứu của viện Khoa học Máy tính thuộc Đại học Oxford và trung tâm bảo tồn động vật hoang dã WildCru.

Sau khi phân tích, thuật toán AI đã phát hiện ra rằng tiếng gầm của mỗi con sư tử tạo ra một hình dạng tần số âm thanh riêng biệt. Kết quả so khớp tiếng gầm một con sư tử đã xác định cho thấy thuật toán AI có thể đưa ra các phép đo với độ chính xác lên đến 91,5%.

Đường màu đỏ hiển thị tần số cơ bản của tiếng gầm của sư tử
Đường màu đỏ hiển thị tần số cơ bản của tiếng gầm của sư tử

Trước thực trạng số lượng sư tử hoang dã trong tự nhiên không ngừng suy giảm nhanh chóng do mất môi trường sống và đặc biệt là nạn săn trộm, các nhà khoa học tin rằng việc xác định và theo dõi được từng cá thể sư tử thông qua tiếng gầm đặc trưng có thể giúp bảo vệ hiệu quả khoảng 20.000 cá thể còn sót lại của loài này trong tự nhiên.

“Số lượng sư tử châu Phi đang suy giảm nhanh chóng, và việc phát triển các công cụ giám sát hiệu quả, chi phí hợp lý sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực bảo tồn theo quy mô quần thể. Khả năng đánh giá từ xa số lượng cá thể trong một quần thể sư tử thông qua tiếng gầm của chúng có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong cách giám sát cũng như bảo vệ loài động vật này”, tiến sĩ Andrew J. Loveridge, thành viên nhóm phát triển thuật toán cho biết.

Thứ Năm, 15/10/2020 21:39
31 👨 490
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Thế giới động vật