Nếu bị kiến ba khoang đốt sẽ gây nên bỏng da, viêm da, bỏng rát như bị tạt axit bởi trong cơ thể của chúng chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), chất độc mạnh gấp 12 - 15 lần so với nọc độc rắn hổ. Thậm chí, chất độc này vẫn tồn tại trong máu của kiến kể cả khi chúng chết khô được 8 năm.
Kiến ba khoang trông như thế nào?
Kiến ba khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài như hạt thóc nhưng nhỏ hơn, bụng thon nhọn đen, có cánh đến nửa thân, có râu dài, các khoang màu đỏ, đen xen kẽ nhau.
Loài kiến này thường xuất hiện vào mùa mưa. Trời tối, khi đèn bật sáng, chúng thường bay vào nhà và bám trên tường, giường chiếu và cả lên người.
Vết đốt của kiến ba khoang
- Vết thương của kiến ba khoang thường xuất hiện ở các vùng hở như mặt, cổ, tay, ngực, vai, gáy.
- Vết thương có dạng dát đỏ theo từng vệt, đám. Xuất hiện những mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ ở giữa và có vùng hơi lõm hình tròn hoặc hình bầu dục màu vàng nâu.
- Vết thương có thể lan ra vùng da lành, vùng nếp gấp nếu bạn gãi.
Cách xử lý vết thương khi tiếp xúc với nọc độc hoặc bị kiến ba khoang đốt
- Rửa vùng tiếp xúc bằng nước muối sinh lý để trung hòa chất độc của kiến. Chú ý không nên trà mạnh để tránh gây trầy xước hoặc vỡ vết thương.
- Trường hợp vết thương nhẹ chỉ cần sát trùng, bôi hồ nước, bệnh tự giới hạn.
- Trường hợp vết thương trung bình hoặc nặng thì phải bôi thuốc dịu da. Tùy từng mức độ của vết thương mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp.
Nếu phát hiện kiến ba khoang phải xử lý như thế nào?
- Tuyệt đối không lấy tay đập, di chết kiến để tránh tiếp xúc với chất độc có trong kiến ba khoang.
- Nếu phát hiện thấy kiến ba khoang trên người chỉ cần thổi bay cho chúng rơi xuống đất.
- Đeo găng tay quét chúng vào túi nilong, sau đó buộc chặt và bỏ vào thùng rác.
Cách đuổi và phòng tránh bị kiến ba khoang đốt
Kiến ba khoang không phải là côn trùng truyền bệnh và chúng cũng không chủ động đốt người. Mặt khác chúng là loài côn trùng có lợi cho nhà nông nên bạn không nên tiêu diệt mà hãy tìm cách xua đổi, tìm các biện pháp để chúng tránh xa khỏi môi trường sống của mình.
- Hạn chế mở cửa, nhất là những khu vực có nhiều cây cối.
- Tránh đứng dưới bóng đèn chiếu sáng nơi công cộng. Khi phải làm việc dưới ánh đèn cần chú ý xung quanh vì kiến ba khoang thường hay xuất hiện ở những khu vực có đèn sáng.
- Kiểm tra, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
- Mắc màn khi ngủ để tránh kiến ba khoang bò lên giường.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.
- Trồng một số loại cây có tác dụng xua đuổi côn trùng như: sả, dạ hương... quanh khu vực sinh sống.
- Buổi tối, nên buông rem che ánh sáng lọt ra ngoài để tránh thu hút kiến ba khoang.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với kiến ba khoang mà phải sử dụng găng tay, khăn mềm...