Trĩ là một căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Chính vì thế, có rất nhiều thắc mắc xung quanh căn bệnh này như: Bệnh trĩ có lây không, bệnh trĩ có nguy hiểm không?... Bài viết dưới đây, Quantrimang sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên. Hãy cùng theo dõi để hiểu hơn về loại bệnh này nhé!
Bệnh trĩ là gì?
Không chỉ đơn thuần là bệnh của tĩnh mạch, trĩ là các bệnh của một hệ thống mạch máu từ tĩnh mạch, tiểu động mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn.
Khi có tình trạng rặn khi đi cầu nhiều lần, ứ máu liên tục... sẽ khiến gia tăng áp lực dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ vào trong lòng ống hậu môn. Người bệnh càng lớn tuổi, thì các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng suy yếu, dẫn tới các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa.
Hiện nay, bệnh trĩ được chia ra làm 2 loại bao gồm:
- Trĩ nội: Là khi búi trĩ xuất phát phía trên đường lược, đồng thời búi trĩ được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp (transitional epithelium).
- Trĩ ngoại: Là khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược. Lúc này búi trĩ sẽ được phủ bởi lớp biểu mô vảy (squamous epithelium) và nằm bên dưới lớp da bao quanh vùng hậu môn.
Ngoài ra, dựa vào sự phát triển của các búi trĩ đang còn nằm trong hay đã sa ra khỏi hậu môn, người ta còn phân ra làm 4 cấp độ bệnh trĩ bao gồm:
- Trĩ cấp độ 1: Búi trĩ còn nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
- Trĩ cấp độ 2: Bình thường búi trĩ nằm gọn trong ống hậu môn. Khi rặn đi cầu, búi trĩ sẽ bị lòi ít ra ngoài, còn khi đi cầu xong, đứng dậy búi trĩ sẽ lại thụt vào trong.
- Trĩ cấp độ 3: Mỗi khi đi cầu, đi lại nhiều, ngồi xổm nhiều... búi trĩ sẽ sa ra ngoài.
- Trĩ cấp độ 4: Búi trĩ sẽ thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn
Bệnh trĩ có lây không?
Trước khi trả lời câu hỏi: "Bệnh trĩ có lây không?", hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây nên căn bệnh này:
- Thường xuyên rặn khi đi cầu
- Tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính
- Ngồi lâu khi đi cầu
- Phụ nữ trong thời kỳ mang thai
- Béo phì
- Quan hệ bằng đường hậu môn
- Chế độ ăn thiếu hoặc quá ít chất xơ
- Gia tăng theo độ tuổi vì cấu trúc mô nâng đỡ ở trực tràng và hậu môn yếu dần.
Hiên nay, do tốc độ gia tăng bệnh trĩ đang trở nên báo động mà nhiều người lầm tưởng căn bệnh này có nguy cơ lây lan và di truyền.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thì bệnh trĩ hoàn toàn không có tính lây lan và cũng không có yếu tố di truyền. Việc mặc chung đồ, giặt chung đồ, ngồi chung ghế... cũng sẽ không ảnh hưởng tới việc lây lan căn bệnh này.
Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn còn khá băn khoăn liệu bệnh trĩ có nguy hiểm không? Câu trả lời sẽ có khi bạn tiếp tục theo dõi bài viết.
Bệnh trĩ có nguy hiểm không?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thao, Khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn: Trĩ là một căn bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, gây nên những đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Trong trường hợp không phát hiện kịp thời, căn bệnh này có thể để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe.
Bệnh trĩ dẫn tới những ảnh hưởng như:
- Gây khó khăn, đau đớn mỗi lần đi vệ sinh
- Làm đảo lộn thói quen sinh hoạt, ảnh hưởng tới tinh thần của người bệnh
- Ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt vợ chống
- Đối với phụ nữ, khi bị bệnh trĩ sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ gây viêm nhiễm phụ khoa
- Tình trạng chảy máu kéo dài có thể dẫn tới thiếu máu
- Bệnh có thể gây nhiễm trùng máu, nhiễm trùng hậu môn, áp xe hậu môn. Có nhiều nguy cơ gây ung thư trực tràng nếu như không điều trị sớm
- Tắc nghẹt búi trĩ khiến việc đi lại, ngồi xuống cũng khó khăn và đau đớn
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ
Để hạn chế bệnh trĩ các bạn có thể tham khảo một số cách phòng ngừa đơn giản như:
- Tránh việc ngồi lâu, đứng quá lâu. Nếu làm việc văn phòng các bạn nên đứng dậy vận động, đi lại sau 1-2 tiếng.
- Tránh khiêng, mang vác vật nặng quá sức
- Uống nhiều nước, khoảng 40 ml/kg cân nặng mỗi ngày
- Xây dựng chế độ ăn khoa học không để xảy ra tình trạng thiếu chất xơ
- Tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá...
- Nên điều trị triệt để các bệnh gây ho kéo dài
Đối với những người đã bị bệnh:
- Với trĩ xuất huyết không tự cầm, trĩ nội độ 2 không hiệu quả điều trị nội khoa, trĩ nội độ 3-4, trĩ biến chứng tắc mạch, sa nghẹt, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sỹ để nhập viện phẫu thuật như cắt trĩ...
- Với trĩ nhỏ như độ 1-2, trĩ ngoại, không biến chứng bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt, công việc và điều trị bằng thuốc hoặc thắt trĩ qua nội soi. Các bạn cũng có thể tham khảo các thực phẩm chức năng hỗ trợ bệnh trĩ, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để cải thiện trình trạng trĩ ở giai đoạn này.
Hi vọng với những chia sẻ trên đây các bạn đã hiểu rõ hơn bệnh trĩ là gì? Bệnh trĩ có nguy hiểm không cũng như cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.
Để bệnh trĩ không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, hãy luôn lắng nghe cơ thể để phát hiện kịp thời những triệu chứng bệnh trĩ và có những cách xử lý phù hợp nhất. Chúc các bạn luôn khỏe!