Tết Nguyên Tiêu là gì?
Tết Nguyên Tiêu là tết đêm rằm đầu tiên của năm mới, Nguyên là thứ nhất, Tiêu là đêm. Tết Nguyên Tiêu diễn ra vào rằm Tháng Giêng là một trong những ngày lễ rất quan trọng theo phong tục tập quán của người Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á khác.
Lễ hội trăng rằm đầu tiên của năm mới thường được bắt đầu từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) trọn ngày 15 (ngày rằm) cho đến nửa đêm 15 (đêm trăng rằm) của tháng giêng Âm lịch. Nhiều nơi còn quan niệm "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng" nên những nghi lễ diễn ra trong ngày này cũng được chuẩn bị rất chu đáo.
Tết Nguyên Tiêu 2021 sẽ rơi vào thứ 6, ngày 26/02/2021 dương lịch.
Vậy tết Nguyên tiêu có nguồn gốc như thế nào? Ý nghĩa của tết Nguyên Tiêu ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết dưới đây nhé.
Sự tích 1: Truyền thuyết về con thiên nga
Sự tích xưa ghi lại câu truyện về một con thiên nga vốn là giống thiên nga trên trời, được Ngọc hoàng yêu quý. Một hôm, thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới rong chơi.
Thật không may, một người thợ săn nhìn thấy và đã vô tình bắn chết con thiên nga. Việc này đến tai Ngọc Hoàng thượng đế, người rất tức giận và thay vì trừng phạt người thợ săn, Người ra lệnh trừng phạt tất cả muôn loài dưới hạ giới. Ngọc Hoàng sai một đội quân Thiên binh thiên tướng đúng ngày 15 tháng 1 hàng năm xuống thiêu rụi mặt đất, không cho con người và động vật sống.
May thay, trên thiên đình vẫn có những vị thần không tán thành cách làm của Ngọc Hoàng, lệnh trừng phạt này quá khắt khe và nặng nề. Họ đã liều mình, bí mật xuống hạ giới và bầy cho chúng sinh kế để thoát nạn. Thế là vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà đều treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa để khi Ngọc Hoàng nhìn xuống tưởng rằng nhà cửa, làng mạc ở dưới đã bị phóng hỏa, thiêu rụi. Nhờ đó mà loài người và muôn thú mới thoát khỏi họa diệt vong.
Kể từ đó đến nay, ngày 15 tháng 1 hàng năm đã được nhân dân chọn làm ngày Tết Nguyên Tiêu và hình thành phong tục treo đèn lồng trong ngày này. Mọi người nấu cỗ, bày tiệc, sum họp bên gia đình, mừng một năm mới bắt đầu bình an, may mắn. Đèn lồng cũng vì thế mà phát triển ra nhiều loại khác nhau như đèn lồng cá chép, đèn rồng, phượng,...
Sự tích 2. Nàng cung nữ hiếu thảo Nguyên Tiêu và đại thần Đông Phương Sóc thời Tây Hán.
Tương truyền Hán Vũ Đế có một sủng thần tên là Đông Phương Sóc, tính tình lương thiện, khôi hài. Mùa đông năm nọ, tuyết rơi liền mấy hôm, Đông Phương Sóc đến ngự hoa viên, chợt phát hiện có một cung nữ nước mắt đầm đìa đang định nhảy xuống giếng tự vẫn. Đông Phương Sóc vội chạy đến ngăn lại, hỏi rõ sự tình. Thì ra, cô cung nữ tên là Nguyên Tiêu, từ khi vào cung đến nay cô chưa được gặp mặt người thân, mỗi năm khi Xuân đến lại càng nhớ nhà, cảm thấy mình không báo hiếu được cho song thân nên tìm đến cái chết. Đông Phương Sóc cảm động, liền hứa rằng nhất định sẽ tìm cách để cô đoàn tụ với gia đình.
Một ngày nọ, Đông Phương Sóc xuất cung, bày một gian hàng xem bói trong kinh thành Trường An. Nhiều người tranh nhau nhờ xem quẻ. Quẻ của mỗi người đều là "ngày rằm tháng Giêng lửa bén đến thân". Trong phút chốc, cả kinh thành Trường An hoảng sợ, mọi người tranh nhau cầu xin, tìm cách giải trừ tai ương. Đông Phương Sóc bảo rằng:
"Chiều tối ngày rằm tháng Giêng, Hoả thần sẽ phái một thần nữ áo đỏ xuống phàm trần tra xét. Thần nữ chính là sứ giả phụng theo ý chỉ thiêu đốt kinh thành Trường An. Ta sao lục lại lời kệ đưa cho mọi người, có thể vào ngày hôm đó nghĩ ra được biện pháp".
Nói xong liền vất xuống đất một tờ thiếp đỏ rồi sải bước ra đi. Mọi người vội nhặt lên đem đến hoàng cung bẩm báo Hoàng thượng. Hán Vũ Đế cầm xem, chỉ thấy bên trên viết rằng:
"Trường An gặp nạn, lửa thiêu Đế khuyết, ngày 15 lửa trời, đỏ rực suốt đêm".
Vũ Đế kinh hãi liền cho mời Đông Phương Sóc túc trí đa mưu đến. Đông Phương giả vờ suy nghĩ rồi nói:
"Thần nghe nói Hoả thần rất thích ăn bánh trôi, nàng Nguyên Tiêu trong cung chẳng phải là người thường nấu cho bệ hạ ăn đó sao"?
"Đêm rằm tháng Giêng bệ hạ bảo nàng Nguyên Tiêu làm bánh trôi, bệ hạ thắp hương dâng cúng, truyền lệnh cho nhà nhà trong kinh thành đều làm bánh trôi đồng loạt dâng cúng Hoả thần. Truyền dụ cho thần dân vào đêm đó treo đèn, khắp thành đốt pháo, nổi lửa, giống như cả thành có lửa, làm như vậy có thể qua mặt được Thượng Đế. Ngoài ra, thông báo cho dân chúng ngoài thành vào đêm rằm tháng Giêng vào thành xem hoa đăng, để tiêu tai giải nạn".
Hán Vũ Đế nghe qua liền mừng rỡ, thực thi y lời Đông Phương Sóc. Đến ngày rằm tháng Giêng, trong thành Trường An treo đèn kết hoa, người người vui chơi vô cùng náo nhiệt. Cha mẹ nàng Nguyên Tiêu cũng dẫn em gái của nàng vào thành. Khi họ nhìn thấy trên đèn treo trong cung viết hai chữ "Nguyên Tiêu" liền hét lớn: "Nguyên Tiêu! Nguyên Tiêu!" Nàng Nguyên Tiêu nghe được và cuối cùng đoàn tụ với gia đình.
Ý nghĩa của đêm rằm tháng giêng
Rằm tháng Giêng được xem là ngày lễ quan trọng sau dịp Tết Nguyên Đán, theo tín ngưỡng, tôn giáo và ngành nghề, thì lễ bái của từng gia đình lại khác nhau, có gia đình theo Đạo Phật thì họ sẽ Bái Phật, có gia đình cúng Thổ Công Thần Tài hoặc âm hồn các đẳng... Nhưng điểm chung nhất và điều bắt buộc phải có ở mỗi gia đình đó là cúng Gia Tiên, bày tỏ lòng thành kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn những người trên đã phù hộ cho gia đình, con cháu được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong năm.
Theo lời các cụ xưa kể lại rằng, rằm tháng Giêng vốn là ngày Tết Trạng Nguyên. Vào dịp đêm trăng sáng đầu tiên của năm, vua mở đại tiệc ở vườn thượng uyển, mời các Trạng Nguyên đến tham dự, trong bữa tiệc họ sẽ cùng ngắm hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và ca tụng ân huệ của nhà vua đã đem lại thái bình cho muôn dân bách tính.
Kể từ đó, những buổi họp mặt vào ngày rằm tháng Giêng càng được mở rộng, các buổi họp mặt được của các văn nhân thi sỹ tổ chức. Buổi họp mặt không chỉ dừng lại ở vườn thượng uyển của nhà vua, mà được mở rộng ra nhiều nơi hơn, việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng khi không có vua thoải mái hơn, những bài thơ, câu đối xứng trở trên phong phú hơn.
Tết Nguyên Tiêu trở thành một nét văn hóa sinh hoạt tao nhã mang nhiều ý nghĩa tuyệt vời trong khung cảnh thơ mộng hữu tình: Trong ngày này, ngoài việc ngắm trăng, đọc thơ, ăn bánh trôi thì còn có rất nhiều những hoạt động lý thú khác như vui chơi, giải trí, múa lân....
Ở Việt Nam, phật giáo được du nhập vào theo đó những phong tục tập quán của người Việt được gắn kết với các quốc gia khác, hòa nhập nhưng không hòa tan, biết gìn giữ những nét văn hóa Việt và tiếp thu thêm những nền văn hóa mới vào Việt Nam, và ngày rằm tháng Giêng là một ví dụ cụ thể. Đây là một ngày lễ có nguồn gốc xuất phát từ Trung Hoa, nước ta đã du nhập thành một ngày Tết mang đậm bản sắc riêng của người Việt, thấm nhuần tư tưởng Phật Pháp.
Tết nguyên tiêu là ngày rằm đầu tiên trong năm mới, đây là thời điểm thích hợp để mỗi gia đình chúng ta có thể cầu nguyện cho một năm an lành, hạnh phúc, vì thế lễ hội này được rất nhiều sự quan tâm và tham gia của rất nhiều người giới phật tử và toàn thể dân chúng. Thành ngữ "Lễ phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" qua câu tục ngữ đó đã nói lên tầm quan trọng của ngày rằm tháng Giêng trong tâm thức của người Việt.
Tham khảo thêm các bài sau đây: