Từ bao đời nay, Tiết Thanh Minh đã trở thành một tục lệ quen thuộc của người dân Việt trong dịp đầu năm. Ngày này có ý nghĩa nhân văn và thấm đẫm giá trị văn hóa, tinh thần.
Tiết Thanh Minh là khoảng thời gian mà hầu hết mọi người lại cùng nhau hường về cội nguồn và tưởng nhớ đến những người đã khuất. Vậy trong Tiết Thanh Minh này người Việt chúng ta sẽ có những phong tục gì?
1. Ý nghĩa Tiết Thanh Minh
Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng nó lại là ngày có ý nghĩa quan trọng với toàn thể dân ta. Đây là một ngày giỗ tổ chung để tất cả con cháu có dịp để báo hiểu, trả nghĩa hướng về nguồn cội.
Trong Tiết Thanh minh này tất cả mọi người trong dòng họ, gia đình sẽ quây quần lại bên nhau để cùng nhau bàn bạc về công việc sẽ dọn dẹp mộ của những người đã khuất như thế nào, cần chuẩn bị những gì để mang lên mộ cúng...
Thanh minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh thường đến sau lập xuân khoảng 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh Minh.
Khoảng thời gian bắt đầu Tiết Thanh Minh theo lịch truyền thống thì rơi vào khoảng thời gian từ ngày mùng 4 hoặc mùng 5 tháng 4 cho đến ngày 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch sẽ kết thúc tiết xuân phân. Năm 2021 này tiết Thanh Minh rơi vào ngày mùng 4/4 dương lịch. Bắt đầu từ ngày mùng 4 này, chúng ta có thể lên kế hoạch tảo mộ và du xuân. Trong ngày này theo truyền thống dân gian, thì đây là lúc nhớ về cội nguồn, nhiều gia đình tổ chức tảo mộ, làm bánh trôi bánh chay.
Trong Tiết Thanh Minh là khoảng thời gian mà khí trời trở nên trong sáng và thanh khiết nhất, khi bầu trời quang đãng và khá mát mẻ. Chính vì vậy ông bà xưa thường lựa chọn thời điểm này để cắt cỏ trên mộ và đắp đất lên mộ (tảo mộ). Vì ngày này thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ.
Nhân lúc đi Thanh Minh tảo mộ, để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất, mọi người có thể dạo chơi ngắm cảnh cỏ cây tươi tốt, nên còn gọi là Đạp Thanh. Nguyễn Du có câu:
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh
2. Nên làm gì vào ngày Tiết Thanh Minh?
Vào dịp này, tùy theo phong tục truyền thống của từng địa phương, mỗi nơi sẽ có một cách cúng lễ và sum họp khác nhau. Nhưng thường là các gia đình sẽ tụ tập, họp mặt để cùng nhau tảo mộ và tiến hành thăm viếng, dọn dẹp mộ phần cho ông bà tổ tiên.
Trong quá trình tảo mộ Tiết Thanh Minh, cần dọn cỏ dại, đắp và chỉnh trang ngôi mộ, kiểm tra xem mộ có bị mối xông hoặc các loại động vật, côn trùng đục khoét.
Những việc làm này chính là để tránh trường hợp hung hại là mộ kết, một đại kỵ trong phong thủy âm trạch với người đã khuất nhưng ảnh hưởng lại mang tới cho người còn sống.
Song song với việc này, mỗi gia đình sẽ thu xếp thời gian thích hợp để làm cỗ cúng mời tổ tiên họ hàng, người đã khuất về dùng cơm cùng hậu bối.
Trong quá trình làm giỗ, cỗ cúng, các con cháu sẽ cùng hoài niệm để tưởng nhớ đến những kỷ niệm đẹp về ông cha với lòng thành kính.
Đồng thời làm lễ cúng mời những người đã khuất về nhà dùng cơm với con cháu. Con cháu tưởng nhớ, hoài niệm lại những điều tốt đẹp về ông cha với tất cả lòng thành kính.
3. Tục tảo mộ trong Tiết Thanh Minh
Đối với mọi người Việt thì Tiết Thanh Minh là lúc mà con cháu hướng về cội nguồn, dân tộc. Dù những ai đi làm ăn xa xôi thì vào ngày 3/3 âm lịch cũng dành chút ít thời gian để trở về quê hương, về với gia đình để cùng nhau đi tảo mộ cho tổ tiên, sau đó sum họp bên mâm cơm cùng gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.
Công việc chính khi đi tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ cho tổ tiên được sạch sẽ. Trong ngày này, khi đi dọn cỏ mọi người đều mang theo liềm, cuốc, xẻng để rọn cỏ, cắt bỏ đi những loài cây mọc dại xung quanh mộ, vun đắp lại mộ cho cao ráo và sạch sẽ tránh những loại động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang làm tổ ở trong mộ, đụng chạm đến linh hồn người đã khuất. Sau khi rọn dẹp xong, mọi người sẽ bày xôi, thịt và hoa quả để dâng lên tổ tiên và thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc một bó hoa cúc trắng để tưởng nhớ người đã khuất.
Trong ngày Thanh Minh khu nghĩa trang trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn ngày thường rất nhiều. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên, còn mọi người trong gia đình và con trẻ thì cùng nhau rọn dẹp. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
Bên cạnh những ngôi mộ được các gia đình chăm sóc cẩn thận, thì cũng có những ngôi mộ vô chủ hoặc do con cháu đi làm ăn quá xa không có mặt ở quê hương để đi tảo mộ, thì những người đi viếng mộ cũng sẽ thắp cho họ một nén hương để tỏ lòng thành kính.
Ngoài tục lệ trên, người Việt Nam còn có tục lệ làm bánh trôi, bánh chay thắp hương, sau đó cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức hương vị đậm đà của món bánh này.
Tiết Thanh Minh cũng là lúc trời bắt đầu bớt lạnh, cây cối phát triển mạnh mẽ, rất nhiều loài hoa nở rộ, là thời điểm thích hợp để đi dã ngoại, ngắm cảnh.