Ý nghĩa lịch sử của chiếc bánh chưng

Mỗi khi tết đến, xuân về mỗi gia đình lại cùng quây quần bên nhau, để gói những chiếc bánh chưng xinh xắn dâng lên ông bà tổ tiên với lòng thành kính, biết ơn những người đã sinh ra chúng ta. Tuy là một món ăn quen thuộc gắn liền với nền văn minh lúa nước, lịch sử nước Việt ta, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ được, ý nghĩa thực sự của chiếc bánh chưng hình vuông là như thế nào? Và tại sao lại gói hình vuông mà không phải các hình khác? Nếu bạn chưa biết ý nghĩa thực sự của chiếc bánh chưng, hãy cùng Quản Trị Mạng tìm hiểu nó nhé.

Ý nghĩa lịch sử của bánh chưng

Bánh chưng là một món ăn truyền thống của người Việt, là loại bánh có từ lâu đời trong lịch sử. Bánh Chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh Giầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.

Bánh Chưng âm, tượng trưng cho Mẹ, bánh Giầy dương tượng trưng cho Cha. Hai chiếc bánh này là một món ăn trang trọng, quý báu dâng lên ông bà Tổ tiên, thể hiện lòng thành kính, uống nước nhớ nguồn, công ơn sinh thành to lớn của cha mẹ.

Theo truyền thuyết kể lại rằng, bánh Chưng, bánh Giầy có từ thời Vua Hùng thứ 6, sau khi nước ta đánh thắng giặc Ân. Vua muốn truyền lại ngôi cho các con nhân dịp đầu xuân, Vua mới gọi các con đến mà bảo rằng: "Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ, dâng cúng tổ tiên có, ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho".

Các Hoàng tử đua nhau đi kiếm của con vật lạ khắp nơi, hy vọng làm vừa lòng cha để được phong cho làm vua. Người con trai thứ mười tám của Hùng Vương thứ 6 tên là Lang Liêu (tên chữ gọi là Tiết Liêu), tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho, nên rất lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy một vị Thần mách nước cho rằng: "Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời, Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành". Khi Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ nhanh chóng làm theo lời Thần dặn, chàng chọn gạo nếp thật ngon, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) thật tươi để làm thành chiếc bánh như vị thần mách bảo.

Đến hẹn, các hoàng tử đều đem cỗ tới, đủ các loại sơn hào hải vị. Lang Liêu chỉ có bánh Giầy bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, Lang Liêu bèn đem câu chuyện được thần báo mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.

Gia đình quây quần lại bên nhau gói bánh

Không có một món ăn nào như chiếc bánh Chưng, có đầy đủ các yếu tố ngũ hành theo chiều tương sinh như Kim có trong gạo nếp mầu trắng, Mộc có trong chiếc lá dong mầu xanh, Thủy là luộc trong nước, Hỏa có trong thịt mầu đỏ, Thổ bọc trong đậu mầu vàng. Bên ngoài buộc bằng 2 sợi lạt, chia chiếc bánh thành bốn hình vuông gọi là Cửu Cung Hà Đồ. Khi ăn bánh, dùng những sợi Lạt cắt ra làm tám chính là Bát Quái Đồ.

Thứ Sáu, 06/01/2017 18:13
41 👨 1.975
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tết 2025