Mách bạn bí quyết muối những món dưa ngon ăn trong ngày Tết

"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Dưa chua từ xa xưa là một món ăn bình dị, quen thuộc trong mâm cơm của gia đình Việt. Dưa muối không chỉ giúp tăng khẩu vị cho món ăn mà còn góp phần hỗ trợ cơ quan tiêu hóa làm việc tốt.

Ngày Tết, các món ăn thường chứa nhiều đạm và chất béo, rất dễ ngán, đồng thời có thể gây đầy bụng do khó tiêu. Đặc biệt, bên cạnh đĩa bánh chưng, thịt đông hay thịt kho tàu mà thiếu món dưa chua thì mất đi ý nghĩa mâm cỗ ngày Tết.

Các món dưa muối trong ẩm thực dân gian được chế biến theo quy luật: chua, cay, mặn, ngọt, đắng giúp tăng vị giác cho món ăn. Dưa muối thường nhai giòn sần sật, màu sắc và hương thơm quyến rũ làm tăng chất lượng của bữa ăn là nguồn cung cấp năng lượng chính cho sự sống.

Chúc mừng năm mới

Có thể nói dưa muối là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình khi Tết về. Chỉ với một đĩa dưa muối chua chua giòn giòn, chắc chắn dù có nhiều bánh chưng, thịt cá đến đâu, gia đình bạn cũng không cảm thấy ngán chút nào. Hãy cùng tìm hiểu công thức để muối những món dưa ngon ăn trong ngày Tết nhé.

1. Dưa hành muối

Nhắc đến dưa hành muối chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Tết, đây là một món ăn truyền thống, đặc trưng mỗi dịp tết đến xuân về.

Dưa hành muối

Nguyên liệu cần có

  • 1 kg hành củ tươi
  • Giấm, đường, muối
  • Hộp dùng để muối
  • Nước vo gạo

Cách làm:

Hành củ tươi sau khi mua về sơ chế sạch, cắt bỏ phần rễ, bóc đi lớp lá vàng bên ngoài để giúp cho củ hành trở nên đẹp mắt. Sau khi sơ chế sạch sẽ các bạn đem đi rửa và ngâm qua nước muối loãng hoặc nước vo gạo qua 1 đêm để giúp cho hành giảm bớt vị hăng khi ăn.

Sau khi ngâm được một ngày thì bạn vớt ra rổ sau đó rửa lại sạch với nước và để ráo.

Tiếp theo đến công đoạn pha chế nước muối hành, bạn pha theo tỷ lệ: 200ml giấm, 100 nước, 50g đường, 20g muối vào nồi đun sôi, đến khi đường và muối tan hết thì tắt bếp để nguội. Bạn sử dụng một chiếc hũ/lọ, tốt nhất được làm bằng thủy tinh, rửa sạch và lau khô để giúp dưa hành không bị khú, xuất hiện nấm mốc trên bề mặt khiến hũ dưa hành của bạn trông kém phần hấp dẫn. Sau đó bạn xếp hành vào hũ/lọ, dùng tăm hay que tre chèn trên mặt trước khi đổ hỗ hợp nước muối vào để hành không bị trồi trên mặt nước.

Để hành ở nơi khô ráo thoáng mát, sau khoảng 5-7 ngày bạn có thể lấy ra cho gia đình cùng thưởng thức.

Mời tham khảo một số thiết bị làm giá đỗ, muối dưa cà có bán tại siêu thị trực tuyến Meta.vn:

2. Dưa cải bẹ muối chua

Đây cũng là món ăn khá dân dả, quen thuộc với người dân Việt trong bữa ăn hằng ngày, cách làm như sau.

Dưa cải bẹ muối chua

Nguyên liệu:

  • Cải bẹ 10kg
  • Hành khô hoặc hành lá
  • Muối, đường, phèn chua
  • Hộp thủy tinh

Cách muối như sau:

Cải bẹ bạn nên chọn những lá cải già và bánh tẻ, sau đó sơ chế sạch sẽ, cắt miếng vừa ăn từ 3-5cm là vừa, sau đó mang đi rửa sạch và ngâm trong nước muối loãng từ 15-30 phút trước khi muối dưa.

Hành khô hay hành lá muối dưa cũng đều ngon, bạn làm sạch sẽ, cắt bỏ rễ sau đó cắt bằng miếng dưa và trộn cùng dưa khi muối.

Cho nước ấm vào một cái bát to hoặc cái nồi, cho muối, đường hoặc có thể thay thế phèn chua thay đường hòa tan hỗn hợp gia vị trên, để nguội.

Dưa sau khi ngâm nước muối vớt ra rổ, để ráo hoặc bạn có thể phơi khô để giúp dưa héo, nhanh được dùng hơn. Sau đó cho dưa vào một chiếc hũ thủy tinh, dùng vỉ và nén để nén lên dưa cuối cùng cho nước muối, đường vào ngập bề mặt dưa là được. Đậy nắp lại và mang dưa đi bảo quản nơi thoáng mát trong vòng 3-4 ngày bạn có thể lấy ra dùng. Lưu ý để kiểm tra xem dưa đạt yêu cầu hay chưa, bạn dùng đũa gắp một miếng ra dùng thử, để tránh trường hợp lấy ra nhiều ăn không hết, đổ lại vào hũ sẽ khiến cho hũ dưa của bạn sẽ nhanh bị hỏng. Còn vị chua thì tùy khẩu vị mỗi người, nếu thấy vừa thì dùng luôn, còn chưa đủ thì bạn cứ ngâm tiếp 1-2 ngày nữa nha!

3. Dưa món mặn ngọt

Đây là sự kết hợp giữa dưa hành và các nguyên liệu khác, giúp tăng thêm hương vị cũng như màu sắc rực rỡ cho món ăn.

Dưa món mặn ngọt

Nguyên liệu:

  • Su hào: 1 củ
  • Cà rốt: 2 củ
  • Muối, đường,
  • Hành củ: 1kg

Cách làm:

Hành sau khi mua về cắt bỏ sạch và bóc lớp vỏ già bên ngoài giúp hành trông đẹp mắt hơn, sau đó ngâm nước vo gạo trong khoảng 1 ngày trước khi muối.

Su hào và cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng dài khoảng 3cm, rộng 1cm, dày 1cm.

Để làm nước muối dưa bạn cần chuẩn bị nước sôi để nguội pha cùng nước muối và đường. Sau đó, bạn xếp lần lượt hành, su hào và cà rốt vào lọ, đổ nước nhiều hơn 1 đốt ngón tay là được. Cuối cùng dùng 1 hòn đá lớn để nén chặt sau khoảng vài ngày là dùng được.

4. Dưa giá đỗ

Dưa giá đỗ

Nguyên liệu:

  • Giá đỗ: 200g
  • Cà rốt: 1/2 củ
  • Hẹ: 30g
  • Muối, đường

Cách làm:

Giá mua về rửa sạch để ráo nước, hẹ rửa sạch cắt khúc, cà rốt gọt vỏ, thái sợi.

Nước dùng để muối dưa cần có nước sôi, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe muối khuấy đều, cho vào bát đã chuẩn bị giá, hẹ, cà rốt. Sau khoảng 1 ngày là có thể lấy ra dùng được.

Với cách làm đơn giản, món dưa này sẽ đem lại cho bạn cảm giác ngon miệng và đặc biệt cung cấp cho cơ thể 1 hàm lượng chất xơ đáng kể.

5. Dưa chuột muối

Dưa chuột muối

Nguyên liệu:

  • Dưa chuột
  • Muối, đường, giấm, phèn chua

Cách làm:

Dưa dùng để muối cần phải chọn những quả dưa non, ít ruột, không có hạt và một phần hoa còn dính dưới quả. Rửa sạch, ngâm trong nước sôi 3-5 phút. Tiếp tục ngâm vào giấm có pha 1% phèn chua hoặc có thể bạn ngâm vào nước muối có pha một chút phèn chua đến khi dưa chua, đổ đi phần nước muối và thay bằng nước sạch vài lần để giảm bớt lượng muối.

Sau đó, ngâm lại trong giấm 2%. Để khoảng một tuần là ăn được. Dưa chuột giúp thanh nhiệt, lợi tiểu tiện và tiêu phù. Dưa chuột ngâm giấm còn có tác chữa phù thủng.

6. Dưa món

Dưa món

Nguyên liệu:

  • 300g cà rốt
  • 300g củ cải
  • 200g đường, 1/2 thìa càfe mì chính, nước mắm (liều lượng tùy độ mặn), muối trắng, tỏi

Cách làm:

Hòa 20g muối với 2 lít nước. Cà rốt, củ cải gọt vỏ, rửa sạch, thái khoanh, thái sợi hay tỉa hoa tùy thích rồi ngâm nước muối 30 phút.

Đổ cà rốt, củ cải ra rổ, dùng khăn vắt kiệt nước muối, rửa lại bằng nước lạnh rồi lại vắt khô, làm như vậy 3 lần để rau củ không bị mặn. Xếp rau củ lên vỉ nướng, chỉnh lò 100 độ C chế độ có quạt gió, cho vỉ rau củ vào tầng thứ 2 của lò (từ dưới đếm lên) sấy 1 tiếng.

Cho vào nồi 200g đường, 50ml nước lọc, đun sôi cho đường tan rồi thêm nước mắm từ từ đến khi đạt độ mặn vừa phải (vì các loại nước mắm trên thị trường có độ mặn khác nhau nên không thể cho liều lượng cụ thể). Đun sôi hỗn hợp rồi tắt lửa, vớt bọt. Khi đường hết sôi thì cho 1/2 thìa cafe mì chính vào khuấy tan. Bóc vỏ tỏi và bào mỏng.

Rau củ đã sấy được 1 tiếng thì tắt lò, lấy ra để nguội rồi xếp vào lọ thuỷ tinh cùng tỏi đã bào khi nãy. Dùng tăm hoặc que tre chèn trên mặt rồi đổ nước mắm vào, đậy nắp lọ và để nơi thoáng mát, 2 ngày sau là có thể dùng dần.

Với cách làm này nhà bạn không lo thiếu lọ dưa món đậm đà cho ngày Tết cổ truyền vì trời đông rét mướt nữa nhé.
Với những cách muối dưa trên hy vọng rằng trọng dịp Tết này bạn có thể trổ tài khéo tay của mình để gia đình cùng thưởng thức, giúp những món ăn ngày tết thêm ngon hơn khi ăn.

Tham khảo thêm một số bài viết:

Thứ Năm, 12/01/2017 15:37
31 👨 1.421
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tết 2025