3 Cách làm củ kiệu ngon không thể thiếu ngày Tết của người Việt

Củ kiệu còn có tên gọi khác là giới kiệu, cò kiệu... là loại củ thường được sử dụng để muối ăn kèm trong những ngày Tết giúp chống ngán cho mâm cỗ đầy ắp thịt.

Mỗi vùng miền lại có cách muối củ kiểu, cách làm củ kiệu khác nhau. Dưới đây là các cách chế biến những món dưa kiệu ngon và phổ biến trong ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, mời các bạn tham khảo.

Củ kiệu

Cách chọn mua củ kiệu ngon

Có 2 loại củ kiệu là kiệu Huế (kiệu quế) và kiệu trâu. Để làm kiệu muối các bạn nên chọn mua kiệu Huế với đặc điểm củ khá to, eo kiệu thon, đuôi nối liền thân, rễ nhiều, lá mảnh và có vị hăng nồng.

Chọn những củ kiệu có kích thước vừa phải và đều nhau, tươi xanh, không bị dập nát.

Sơ chế củ kiệu

Củ kiệu mua về rửa sạch, cắt bỏ rễ và đuôi củ kiệu (không cắt quá sâu để tránh làm củ kiệu bị úng nước, mất đi độ giòn ngon). Bỏ lớp màng già bên ngoài của củ, chỉ lấy phần ruột trắng non bên trong. Sau đó cho kiệu vào ngâm trong nước muối loãng và một cục phèn chua. Sau khoảng 1 tiếng vớt cục phèn ra, tiếp tục ngâm kiệu trong nước muối loãng.

Ngâm củ kiệu trong nước muối

Sau một ngày, vớt củ kiệu ra rổ, rửa sạch rồi để ráo nước. Đem củ kiệu ra phơi nắng một ngày cho hơi héo.

Cách làm củ kiệu

Làm củ kiệu ngâm đường

Nguyên liệu 

  • 1kg củ kiệu.
  • Đường trắng, muối hột, giấm, phèn chua, tỏi.

Cách làm củ kiệu ngâm đường

Cho đường vào trộn đều với kiệu, sau đó cho kiệu vào hũ sạch, khô ráo ngâm từ 7 - 14 ngày. Cách làm này giúp kiệu chua tự nhiên, giòn, có màu trong, để được lâu mà không bị chua nhiều hay hóa rượu.

Kiệu ngâm đường trong khoảng thời gian đó đã lên men và có thể thưởng thức luôn. Nhưng nếu bạn muốn kiệu chua hơn thì có thể đổ giấm đã đun sôi để nguội vào hũ kiệu đã ngấm đường.

Muối củ kiệu

Làm củ kiệu chua ngọt

Hòa 1 bát giấm + 1/3 thìa cà phê muối + 1 bát đường rồi đun sôi để nguội. Sau khi cho kiệu đã ráo nước vào hũ muối, đổ hỗn hợp đã nguội vào sao cho phủ ngập bề mặt kiệu. Sau 2 tuần, bạn có thể thưởng thức món kiệu chua, giòn, thơn ngon.

Củ kiệu muối

Để cho món dưa kiệu thêm đẹp mắt, hấp dẫn và thơm ngon bạn nên thay nước kiệu 1 tuần/lần và cho thêm các loại rau củ như cà rốt, hành tím, ớt vào ngâm cùng.

Cách làm củ kiệu ngâm mắm

Nguyên liệu

  • Củ kiệu: 1 kg
  • Cà rốt: 1 củ
  • Đu đủ xanh: ½ quả
  • Nước mắm ngon: 1 bát con
  • Đường trắng: 1 bát con
  • Muối tinh
  • Ớt hiểm: 2 - 3 quả
  • Hành lá: 1 nắm nhỏ

Cách làm kiệu ngâm mắm

Đu đủ: Gọt vỏ, rửa sạch, thái mỏng và ngâm trong nước lạnh để bớt nhựa.

Cà rốt: Gọt vỏ, rửa sạch, cắt mỏng (có thể tỉa hoa cho đẹp).

Hành lá: Cắt rễ, rửa sạch, thái khúc 4 - 5 cm.

Cách làm kiệu ngâm mắm

Đổ nước mắm và đường vào trong nồi và bắc lên bếp, vừa đun vừa khuấy liên tục để đường tan. Khi nước mắm sôi, vặn nhỏ lửa, đun tiếp khoảng 20 phút, khi nước mắm sánh lại thì tắt bếp, để nguội. Dùng thìa hớt bỏ bọt nếu có.

Xếp kiệu, cà rốt, đu đủ, hành lá, ớt hiểm vào hũ thủy tinh. Sau đó đổ nước mắm đường đã nguội cho ngập. Dùng 1 chiếc nan tre gài lại để giữ kiệu chìm trong nước. Đậy kín hũ kiệu và để nơi khô thoáng.

Sau khoảng 3 ngày, kiệu ra nước làm loãng nước mắm ngâm. Vì vậy, đổ nước ngâm kiệu vào nồi đun lại cho sôi. Khi nước ngâm nguội đổ lại vào hũ kiệu ngâm tiếp. Sau vài ngày, bạn có thể lấy kiệu ra ăn được.

Cách muối dưa hành, củ kiệu không quá khó, nhưng bạn nên muối đúng thời điểm để món dưa muối chín tới đúng dịp tết. Chúc bạn thành công!

Thứ Tư, 27/01/2021 16:33
43 👨 6.040
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tết 2025